Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018

[Cảm nhận phim] Lady bird - Nổi loạn để tìm kiếm chính bản thân






Bộ phim mình đã muốn xem, từ khi chưa có sub và chưa có ở Việt Nam, vậy mà tới giờ mới xem được.

Lady bird (2017)

Đạo diễn, biên kịch: Greta Gerwig


Nhân vật chính của câu chuyện: Christine McPherson (được thể hiện qua diễn xuất của Saoirse Ronan) – một nữ sinh trường Công Giáo tại Sacramento tại bang California, Hoa Kỳ. Cô luôn món mọi người gọi mình bằng cái tên Lady bird, một cô gái cá tính, sẵn sàng nổi loạn, nói dối, làm bất cứ điều gì cô muốn.... và mình thường tự hỏi, thứ cô muốn là gì, với tất cả những điều cô đã làm, đó là vì tình yêu, cơ hội khẳng định bản thân hay là mong muốn được bước ra khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia, trốn thoát khỏi cái tổ của mình?

Mình muốn xem phim, 1 phần vì lí do tuổi nổi loạn trong đó, một phần vì những rắc rối mâu thuẫn gia đình, bạn bè, tình yêu bộ phim đề cập đến. Đây chắc chắn không phải là một bộ phim gay cấn, hành động hay phiêu lưu gì, đó chỉ đơn giản là cuộc sống, một cuộc sống rất thường ngày và vì vậy, ta dễ thấy mình trong đó. Bộ phim cũng chẳng giải quyết điều gì lớn lao, không gì cả, nó chỉ đơn giản, như chính nó vậy.



Về cảnh quay, mình thích không khí bộ phim mang đến, có gì đó cực kì yên bình, nhẹ nhàng và hoài cổ, đặc biệt ở những cảnh quay người mẹ lái xe và nhìn ra ngoài, khung cảnh Sacramento lướt qua đầy bình yên trong ánh nắng, và cuối phim, khi Christine nhớ về thành phố của cô, mọi thứ hài hòa đầy nhẹ nhàng, trong cả những khung cảnh căn nhà nhỏ bé giản dị, những vở nhạc kịch,....


Và về nội dung, Christine là cô gái cá tính mạnh, mình nhớ cảnh quay ban đầu, khi cô liên tục nhấn mạnh việc muốn được gọi là Lady bird, nhưng cuối phim, cái tên Christine McPherson lại 2 lần được nhấn mạnh lại, mình nghĩ đó giống như một lời khẳng định, bạn vẫn sẽ là bạn, và sự trưởng thành đến từ việc bạn chấp nhận bạn là bạn, bạn là như vậy. Giống như khi Christine hỏi mẹ, mẹ có yêu con không, bà không trả lời được câu hỏi đó, và bà nói mẹ muốn con được là phiên bản hoàn hảo nhất của con, Christine hỏi lại rằng: Sẽ ra sao nếu đây chính là phiên bản tốt nhất của con rồi?



Ước muốn mãnh liệt của Christine là đi khỏi thành phố này, là bay khỏi cái tổ của mình, đó là một điều rất tự nhiên, và mình nghĩ, con chim nào cũng muốn cất cánh bay. Dù cho cô không phải là người giỏi nhất, xinh đẹp nhất, thành công nhất, dù điểm số của cô không cao chót vót, dù cô không được là vai chính trong nhạc kịch, dù cô không giàu có để ở căn nhà khu phố giàu có, dù cô không có người bạn trai nào thực sự là hạnh phúc định mệnh, dù cô chỉ làm những công việc linh tinh..... Cô vẫn xứng đáng mơ ước tới một tương lai khác, một cuộc sống khác. Và dù cho mọi người có chê bai, không tin tưởng, chúng ta vẫn cần kiên định với điều chúng ta muốn.



Về tình yêu và tình bạn trong bộ phim, có lẽ cũng sẽ có nhiều cảm nhận để nói, khá rõ ràng, vì mỗi nhân vật đều có dấu ấn riêng, có điểm rất riêng để nhận ra, họ không hề trộn lẫn, và vì họ "sống" nên họ hiện lên trong mối quan hệ với Christine một cách rất tự nhiên, ta phải cảm thấy đứng về phía họ vì những gì họ làm, thay vì đứng về phía cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật chính.


Mối quan hệ gia đình cũng là mạch chính của bộ phim. Christine yêu quý bố, ông hiện lên là một người cha tình cảm, yêu thương con cái, nhưng cũng đồng thời là người đàn ông mềm yếu và mỏi mệt với căn bệnh trầm cảm mãn tính. Đặc biệt, tình cảm phức tạp giữa Christine và mẹ cô – Marion (Laurie Metcalf) là câu chuyện yêu thương đau khổ chân thật nhất mà mình thấy. Có thể nói rằng, họ yêu thương nhau, nhưng họ không hề thích nhau. Nếu Christine thấy mẹ là một người thiếu ủng hộ con cái trong mọi trường hợp, cứng nhắc bảo thủ và quá nghiêm khắc; thì Marion cũng không thể giấu diếm chuyện bà thất vọng khi con gái ngày càng lộ rõ vẻ ích kỷ, ương bướng và vô ơn.


Bộ phim mình nghĩ đã để một cái kết phù hợp, dừng ở việc Christine đi học đại học và cô có thể mở lòng với mâu thuẫn với mẹ, dừng ở đó và không nhắc tới các mối quan hệ khác, các vấn đề khác, giống như một lát cắt sắc gọn vậy.



Có thể, việc tìm kiếm hạnh phúc giống như hành trình bay của chú chim vậy, hành trình ấy chẳng bao giờ có điểm kết thúc, ta sẽ mãi bay, từ điểm này đến điểm kia, và chỉ dừng lại khi đôi cánh không còn đập được nữa - cũng là khi cái chết đã đến.

Không có nhận xét nào: