Thứ Hai, 22 tháng 2, 2021

Soul linh hồn đi lạc 22, khi ước mơ không phải để theo đuổi [ review phim]









Soul là một bộ phim rất đỗi nhẹ nhàng, tựa như một bản nhạc Jazz . Bản nhạc Jazz ngẫu hứng như chính là nó vậy, cất lên từ cuộc sống và vì cuộc sống, không khuôn phép, không giáo án định sẵn. 

Soul nhắc nhở chúng ta với sự quyến rũ và độc đáo tuyệt vời rằng điều cơ bản là tận dụng thời gian để hưởng thụ cuộc sống và sống với tốc độ tối đa, thay vì mắc kẹt trong những niềm tin đôi khi ảo tưởng và sai lầm

Nội dung của Soul – Cuộc Sống Nhiệm Màu

Soul là một bộ phim hoạt hình ca nhạc do Pixar Animation Studios sản xuất và Walt Disney Pictures phân phối,  bởi đạo diễn bởi Pete Docter ( người đã rất thành công ở cả 3 bộ phim đầu tiên: Monsters Inc, Up và Inside Out) và đồng đạo diễn bởi Kemp Powers (người đã góp công khiến nhân vật gốc phi Joe hiện lên đầy chân thực và sống động). 

“Về cơ bản, tôi cảm thấy mình sinh ra để làm phim hoạt hình nhưng có những ngày tôi tự hỏi, ‘Thật sao? Phim hoạt hình? Đây có thực sự là điều tôi phải làm với quỹ thời gian có hạn của mình trên Trái Đất không?’
Trên thực tế, trong những thời điểm đen tối gần đây, tôi tự hỏi bản thân về những điều này. Nếu được lựa chọn, tôi có quyết định sinh ra và sống không? Thực sự, chính suy nghĩ đó, cuộc đấu tranh đó, đã trở thành cốt lõi của bộ phim Soul.”

Soul thông qua câu chuyện về một linh hồn không muốn sống gặp một linh hồn không muốn chết để thể hiện một cách ấn tượng quan điểm về nhân sinh và lẽ sống. 

Soul – Cuộc Sống Nhiệm Màu xoay quanh câu chuyện về một giáo viên trung học dạy nhạc tên là Joe Gardner (Jamie Foxx). Với tình yêu được ấp ủ bao lâu nay cùng niềm đam mê mãnh liệt dành cho nhạc Jazz, Joe luôn khao khát theo đuổi ước mơ trở thành một người nhạc sĩ thực thụ. Thế nhưng, vào lúc anh quyết định nghỉ việc và chuẩn bị cho giấc mơ âm nhạc của mình thì một tai nạn bất ngờ lại xảy ra. Linh hồn của Joe Gardner bị tách rời khỏi thể xác và đến với một thế giới mới.

Được xem như là một trung tâm bồi dưỡng, những linh hồn nơi đây được rèn luyện về nhân cách, suy nghĩ và cả những tật xấu trước khi đến với thế giới loài người. Ở đây, Joe Gardner vô tình gặp được một linh hồn mang số hiệu 22 (Tina Fey) – tâm hồn của một người không còn cảm nhận được ý nghĩa của việc tồn tại trên Trái Đất. Cả hai cùng kết thân với nhau và tìm cách đưa linh hồn Joe trở về với thân xác trước khi quá muộn. 



Quá trình làm phim 

Ban đầu trong bản nháp đầu tiên, toàn bộ câu chuyện của Soul đều diễn ra trong thế giới linh hồn, không có các phân cảnh di chuyển đến trái đất. Nhân vật linh hồn số 22 (Tina Fey) mới là nhân vật chính của bộ phim và cô không muốn đến Trái đất. Tuy nhiên để có thể chứng minh rằng Trái đất và sự sống là đáng giá, câu chuyện cần có một nhân vật thật sự cảm nhận được điều đó. Chính vì thế mà nhân vật Joe Gardner ra đời.

Khi phát triển nhân vật Joe Gardner, câu hỏi đầu tiên là “Đam mê của Joe là gì?”, mọi người trong ekip đã thử nhiều phương án và Kemp Powers đã gợi ý thiên hướng đặc trưng nhạc jazz bởi vì đây là niềm đam mê chân thành khi sự yêu thích nó hoàn toàn không đem lại cho bạn sự giàu có hay danh tiếng. 

Từ Toy Story năm 1995 (cũng do Pete Docter đồng sáng tác kịch bản) đến Onward, các bộ phim của Pixar thường xoay quanh sự mất mát và không ngại chạm vào cái chết. Soul được cho là còn đi sâu hơn nữa khi khai thác chủ đề mang tính chất hơi tâm linh, đóng vai trò như một bộ phim hoạt hình mô tả những nhà du hành vũ trụ chuyên chở những người đã rời khỏi thế giới này.


Hình ảnh linh hồn trong phim 


Sau khi tham khảo ý kiến ​​của các nhà tâm lý học lâm sàng cho Inside Out, lần này Pete Docter và nhóm của anh ấy đã tìm đến các cố vấn tâm linh để được hướng dẫn. 

"Thật thú vị khi nhiều người nói với chúng tôi về cái chết, nhưng đối với chúng tôi, bộ phim này là một cuộc khám phá về cuộc sống."

Joe Garden một người đàn ông trưởng thành 45 tuổi, với niềm say mê nhạc jazz vô cùng lớn nhưng lại chưa thành công. Anh đã bắt đầu và cố gắng vì ước mơ này trong phần lớn cuộc đời nhưng luôn bị từ chối. Anh hầu như chẳng quan tâm đến điều gì khác ngoài âm nhạc, thậm chí ngay cả bản thân hay những cảm xúc của mọi người xung quanh mình.

Còn Linh hồn số 22 thì ngược lại, không có niềm đam mê hay cảm thấy yêu thích bất cứ điều gì. Cô chỉ tận hưởng mỗi ngày với những việc lặp đi lặp lại trong khi cảm thấy mệt mỏi và khó chịu khi bị thúc ép phải giống như những linh hồn khác và tiến lên. Hai mươi hai thậm chí còn là một kẻ hoài nghi báng bổ, người đã từ chối sự dìu dắt của một số nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử phàm nhân, bao gồm Carl Jung, Archimes, Abraham Lincoln, mẹ Therasa... 

Vậy nên khi gặp nhau, sự trái ngược ấy đã khiến cho cả hai tò mò, nhìn thấy những điều mà bản thân không nhận ra trước đó. Thông qua cả hai, những góc nhìn, những bài học hay suy nghĩ được thể hiện một cách dễ chịu mà đa phần là để khán giả tự cảm nhận chứ không phải là những thông điệp, những lời thoại trong Soul – Cuộc Sống Nhiệm Màu.

Khá nhiều người cũng đặt ra câu hỏi, tại sao là 22? 

Đó là một con số, một cột mốc, một lứa tuổi, một ẩn ý? 

Tên 22 của nhân vật là đến từ tiểu thuyết Catch-22 của nhà văn Joseph Heller mà sau đó cái tên 22 trở thành một trường hợp về logic nổi tiếngTrong Catch-22, nhân vật chính cố gắng giả điên để không phải tham gia nhiệm vụ (lái máy bay chiến đấu) nhưng oái oăm thay, theo lời cấp trên của anh "Lái máy bay chiến đấu là nhiệm vụ của ng điên" và anh vẫn bị bắt tham gia nhiệm vụ này. Tương tự, nhân vật 22 càng cố gắng phá quấy, lại càng bị bắt tham dự You Seminar và không việc cách nào thoát khỏi nghịch lý mà cô đã tạo ra.

Ý nghĩa cuộc sống là gì

Tại sao chúng ta lại sống?

Chúng ta sống để làm gì, vì mục đích gì, ý nghĩa cuộc sống là gì? 

Sống là phải làm điều mình muốn, làm điều mình thích, là thực hiện ước muốn, ước mơ, hoài bão? 

Liệu cuộc sống này đã sắp đặt sẵn chỉ khi con người làm đúng cái mình yêu thích mới thực sự hạnh phúc?

Nếu thất bại thì sao? Nếu lo sợ thì sao? Nếu thành công thì sao? 

Trong phim, có hai khoảnh khắc khiến mình lặng người.

Đó là khi Joe nói với mẹ mình rằng : "Con chỉ sợ nếu con chết hôm nay, cuộc đời con sẽ hoàn toàn trống rỗng" 

Và sau khi Joe biểu diễn trong đêm diễn mơ ước của đời mình, mọi thứ thật rực rỡ như một happy ending vậy, nhưng Joe lại tự hỏi "vậy mai chúng ta làm gì", "chúng ta quay lại và lại làm lại như hôm nay"...... "có điều gì không ổn à thầy giáo", "chỉ là tôi đợi ngày này cả đời rồi,... tôi tưởng cảm giác sẽ khác" 

Đôi khi, đạt được ước mơ có thể khiến bạn cảm thấy trống rỗng hơn trước! 

Tại sao vậy? 

Vì bạn không còn thấy mục đích của cuộc sống là gì nữa. 

Mục đích sống, đối với Joe, chính là ý nghĩa cuộc sống. Nhưng liệu cuộc đời có đơn giản như vậy? Sẽ ra sao nếu Cõi Trước có những linh hồn như 22, những linh hồn vẫn mãi chưa thể tìm ra mục đích sống của mình, thì họ sẽ mãi mãi không có ý nghĩa sống và không xứng đáng được sinh ra ư?… 

Có những khoảnh khắc thay đổi!

Với 22, cô thực sự cảm nhận được cuộc sống ở Trái Đất, rằng nó không như cô nghĩ, cuộc sống thực sự đáng để trải nghiệm. Từ những bước chân, đến miếng pizza, cả những giai điệu cô từng nghĩ là nhạt nhẽo đều mang đến những cảm xúc khác. Được cắt tóc và ngồi trên chiếc ghế feel-like-a-boss, những chiếc kẹo mút khiến tâm hồn rộng mở và dễ dàng chia sẻ hơn về quan điểm và những thứ cô trải qua. 22 hỏi anh thợ cắt tóc về lý do anh trở thành một thợ cắt tóc, điều mà ta vốn tưởng anh chàng yêu thích công việc vô cùng và cũng yêu thích nhạc Jazz lắm nhưng thực ra không phải. Nhưng thật bất ngờ, anh từng muốn trở thành bác sĩ, nhưng phải hi sinh cho con cái, nhưng chính anh lại rồi cũng yêu thích công việc này, không phải ai đó vĩ đại, nhưng được gặp những người thú vị, làm họ thấy thoải mái, thấy vui hơn và đẹp trai hơn.  

Tại tiệm hớt tóc,  Joe đến nhận ra rằng nỗi ám ảnh về âm nhạc đã cản trở khả năng kết bạn có ý nghĩa của anh. 

Và cuộc đối mặt với người mẹ yêu khó tính Libba (Phylicia Rashad) là những lời bảo vệ cho ước mơ. 

Và có một khoảnh khắc thực sự kỳ diệu khi Joe ngồi xuống cây đàn piano của mình và bắt đầu chơi, thả hồn vào cái mà bộ phim gọi là “The Zone”. 

Như người dẫn chương trình talkshow người Anh, Graham Norton, một nhà hiền triết và có vẻ hơi kỳ cục đã nói, với tính cách là một nhà thần bí tên là Moonwind, “Khi niềm vui trở thành nỗi ám ảnh, người ta sẽ bị ngắt kết nối với cuộc sống”.

Cũng chính từ những cảm nhận đó, 22 cảm thấy cuộc sống thực sự đáng sống hơn. Khoảnh khắc quả chò rơi vào tay 22 cũng chính là lúc cô tìm thấy Tinh Hoả (tia lửa) của mình, rằng cô nên đến trái đất và sống cuộc sống của mình, cuộc sống của chính cô chứ không phải qua thân xác của Joe

Cũng từ Joe và 22, Soul cho người xem thấy được góc nhìn khác của cuộc sống chính nhân vật qua đôi mắt của một vật thể khác. Trước giờ chúng ta hay chính Joe chỉ chạy theo những điều mơ ước mà quên mất đi sự hiện diện của những người xung quanh, bản thân cũng chưa dám nói ra ước mơ của  mình, cũng không quan tâm đến cảm xúc của người khác. Tất cả chỉ dừng lại với những suy nghĩ làm sao có thể đạt được mục đích của bản thân, rằng tình yêu và ước mơ của chúng ta mới là chân ái, là thứ mọi người phải lắng nghe và chia sẻ với ta. 

Qua thân thể của chú mèo, Joe nhận ra mình đã bỏ lỡ những gì, nhận ra mình thiếu can đảm, rằng ngôn từ là thứ vũ khí vô hình nhưng vô cùng sắc bén. Sự chuyển biến tâm lý của Joe vô cùng nhịp nhàng như khiến chính  người xem thấy được bản thân mình cũng chỉ là một trong những Joe khác trong hàng vạn hàng ngàn Joe ngoài kia.

Có phải chỉ mỗi 22 là không biết ý nghĩa cuộc đời, là một linh hồn lạc lối? Hay Joe, người tưởng như biết hết và chắc chắn hết về mọi thứ mình muốn, cũng là một linh hồn đi lạc với những sai lầm? 

Cuối cùng Joe cũng nhận ra rằng chơi piano chỉ là một phần nhỏ cuộc sống này của ông, mải mê đi tìm lý tưởng sống của bản thân, quay cuồng trong sự bận rộn của cuộc sống mà quên mất những người yêu thương cần được quan tâm, quên mất chính bản thân mình ..... Joe cuối cùng nhận ra hạnh phúc có lẽ không phải đứng trên sân khấu cao lắng nghe tiếng hò reo của khán giả bên dưới, mà ý nghĩa của cuộc sống có lẽ là tận hưởng trọn vẹn mọi khoảnh khắc khi ta vẫn còn tồn tại trên cõi đời này.

Còn 22, cô có thực sự không có cảm xúc gì, cô ghét tất cả mọi người, cô sợ hãi trước cuộc sống và lo sợ mình không đủ xứng đáng cũng không đủ sẵn sàng? - Như Joe mạnh mẽ và quyết liệt đã hét vào mặt cô? 

22, là cô bé yếu đuối hay lại chính là cô bé ngây thơ trước cuộc đời? Cô hạnh phúc khi được ăn miếng pizza có mùi vị, khi nghe bản nhạc mà lặng người lại, khi ngắm nhìn trời xanh mà mỉm cười, khi khoe miếng vải rách đũng quần đầy tự nhiên, khi ngồi trên chiếc ghế thoải mái với cây kẹo mút và thao thao bất tuyệt về chủ nghĩa hoài nghi và 10 vạn câu hỏi vì sao, "Tất cả cuộc sống này có đáng để chúng ta cố gắng tới chết không? Nhưng làm sao để biết mục đích sống là gì? Nếu bạn chọn sai con đường thì sao, hay phải chọn mục đích của người khác, vậy là bạn mắc kẹt rồi!" 

Tại sao lại là 22? 22 đầy ngây thơ, đầy lo lắng, đầy sợ hãi, đầy chông chênh và đầy áp lực Twenty two, twenty two,  nhiều lần nhân vật Joe liên tục gọi tên cô một cách mải miết, vội vã  như sự chạy đuổi theo này… Liệu có phải đây chính là lúc người ta cảm nhận sâu sắc nhất sự chán ghét cuộc đời, mất đi ý nghĩa và mục đích sống chăng? Chúng ta khắc khoải gọi đứa trẻ trong chúng ta, 22. 

Mọi người quên mất cảm giác khi còn là một đứa trẻ. Tuổi thơ của tôi chứa đầy những câu hỏi và tôi muốn khám phá tất cả những ý tưởng này. Tôi nghĩ bộ phim này nhắm đến những đứa trẻ lớn hơn một chút, một đứa trẻ hai tuổi sẽ chảy nước miếng trước nó. Nhưng dù sao thì một đứa trẻ hai tuổi cũng không nên ngồi xem TV! Tôi nghĩ đó không thực sự là một vấn đề.

Pete Docter nói về thông điệp mà Soul muốn đề cập đến “Có rất nhiều bộ phim, đặc biệt là phim gia đình, ra đời với ý tưởng khuyến khích bạn theo đuổi ước mơ. Giống như nếu bạn tin tưởng đủ mạnh, bạn có thể thực hiện ước mơ của mình. Nhưng chúng tôi muốn kể một câu chuyện mà chưa từng thấy ai đề cập đến trước đây, đó là những người đạt được ước mơ của họ không phải là những người duy nhất có giá trị cuộc sống. Thực ra, cuộc sống của mỗi người đều có giá trị như nhau, cho dù họ có đạt được những ước mơ đó hay không.”

Hạnh phúc là gì? 

Một câu hỏi nữa được đặt ra, đó là chúng ta có thể không hạnh phúc nhưng lại vẫn muốn sống, hay chúng ta vẫn thấy có ý nghĩa cuộc sống nhưng cuộc sống lại không hạnh phúc? Và nếu chìa khóa của cuộc sống là không theo đuổi mục đích thì chìa khóa của hạnh phúc cũng có phải là không theo đuổi hạnh phúc không?

22 có hạnh phúc không? Joe có trầm cảm không? 

Nếu chỉ mãi ở trong linh hồn không bắt đầu cuộc sống trong mấy trăm năm, không bắt đầu thử sống, thử cảm nhận và tận hưởng, thì liệu 22 có tìm thấy niềm vui của việc sống và động lực sống không? Giống như việc chỉ là một người quan sát, một người thông thái đọc về hạnh phúc trong những trang sách, mà không trải nghiệm thực tế, thì làm sao ta biết thế nào là hạnh phúc, là những khoảnh khắc, là những phút giây cảm xúc! 

Có một câu nói thế này:  Nếu bạn cố tìm kiếm hạnh phúc, bạn cũng sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc. 

Gần đây có rất nhiều những khoảnh khắc mình bỗng thấy vui, thấy nhẹ lòng và thanh thản, thấy cảm xúc trào dâng, những cảm xúc đến rất nhẹ nhàng bình yên mà mình còn thấy ngạc nhiên tại sao chúng lại xuất hiện. Có điều gì đó của cuộc sống bình thường này rất hiển nhiên, rất bình thường nhưng lại mang tới yên bình trong tâm hồn rất nhiều. 

Có lẽ vấn đề mà nhiều người gặp phải ngày nay chính là họ cố gắng quá nhiều vì họ không hài lòng với thực tại. 

Vậy tìm kiếm hạnh phúc là phải hạ thấp kỳ vọng không? Việc không đạt được kỳ vọng có phải là không hạnh phúc không? Như Joe chìm đắm trong 30 năm không hạnh phúc chỉ vì không làm được điều mình muốn? 

Một mô típ khá phổ biến gần đây cho rằng sở dĩ con người bất hạnh là do chúng ta là những kẻ ái kỷ, lớn lên với suy nghĩ – được người lớn vun đắp – rằng bản thân là một cá thể đặc biệt, độc đáo và có khả năng làm những điều phi thường, thế mà sau đó Facebook lại không ngừng nhắc nhở ta rằng cuộc sống của những người khác tuyệt vời như thế nào, không như cái cuộc đời mà ta đang sống, khiến ta cảm thấy tồi tệ và không ngừng tự hỏi mình đã đi sai bước nào rồi chăng. Chúng ta than thân trách phận trong khi bản thân mới đang ở tuổi đôi mươi.

Có 2 kiểu, hoặc là đơn giản mà hạnh phúc, cả cuộc đời đều bình yên, may mắn, đời nhẹ nhàng trôi chảy mà thấy hài lòng. Hai là trải nghiệm lên cao xuống thấp, vượt qua đau khổ rồi nhận ra và trân trọng hạnh phúc mình có (môtip của tất cả các bộ phim truyện, vượt qua khó khăn là hạnh phúc). 

Nhưng nếu không vượt qua các khó khăn ấy thì có hạnh phúc được không?

Thực ra, trân trọng trải nghiệm dù là thất bại mới là yếu tố cơ bản để xây dựng nên tòa nhà hạnh phúc.

Vậy, như thế nào là thành công, là hạnh phúc? Đạt được điều mình muốn, dù cho điều mình muốn là  vô tận và luôn thay đổi?

Hạnh phúc đó có phải là mục tiêu cuộc đời cần phải theo đuổi?

Cảm xúc hạnh phúc, khoái cảm có phải là đảm bảo cho một cuộc sống hạnh phúc? Sau ngày dài mệt mỏi, xả mình trong bồn tắm, ngấu nghiến thức ăn ngon, thỏa mãn thú vui mua sắm, và đi tìm cho mình sự lên đỉnh trong tình dục,.... tất cả điều đó có phải đạt được là có hạnh phúc? 

Tất nhiên, câu trả lời không đơn giản như vậy rồi! 

Hãy nhìn vào 22 và Joe, bạn có nhận ra điều gì? Vấn đề có phải là có hay không có mục tiêu, có hay không có khát vọng? 

Ban đầu cả 22 và Joe đều đang có những điểm bất thường và lạc mất bản thân . Sau khi gặp nhau và thấu hiểu thì cả hai mới tìm thấy điểm cân bằng và nhận ra điều mình bỏ lỡ. Mình nghĩ không quan trọng là sống bình thường hay theo đuổi đam mê, mà là tìm được điểm cân bằng và không quá ám ảnh vào điều gì đó thôi.

Ban đầu 22 thấy cuộc đời chán chết và chẳng có gì đáng sống, 22 phủ nhận hoàn toàn mọi thứ, rụt rè và tránh xa mọi thứ liên quan tới cuộc đời. Joe thì lại ám ảnh với niềm đam mê với jazz mà quên đi sự quan tâm của gia đình, quên lưu ý tới mọi người. Giống như một người nhốt chặt mình trong phòng còn 1 người mải miết chạy đua vậy. Cứ thế mãi thì một người ủ dột, một người kiệt sức.

Vậy nên quan trọng là tìm thấy điểm cân bằng, đôi khi người ngồi trong phòng nên nhìn ra bên ngoài, người chạy đua nên dừng lại nghỉ chân một chút.

Lời khuyên về việc tìm kiếm hạnh phúc rất đơn giản: Hãy tưởng tượng về con người mà bạn muốn trở thành và tiến về phía nó. Hãy ước mơ thật lớn và hành động ngay. Làm bất cứ việc gì bạn cảm thấy cần. Một bước tiến dù nhỏ đến mấy vẫn sẽ thay đổi cảm xúc của bạn về cả tiến trình và góp phần như một động lực thúc đẩy bạn tiến xa hơn nữa.

Hãy đừng quá bận tâm đến việc đạt kết quả bởi điều đó là không cần thiết. Chính những viễn tưởng và ước mơ đã là công cụ giúp bạn tiến về phía trước. Còn việc nó có thành hiện thực hay không, không quan trọng. Hãy cứ sống. Đừng trông đợi hạnh phúc ở phía trước, mà hãy cứ hạnh phúc (trích). 


 



Không có nhận xét nào: