Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2021

FORREST GUMP: CẦN BAO NHIÊU TRÍ TUỆ CHO MỘT CUỘC ĐỜI HẠNH PHÚC?

“ - Tại sao anh lại chạy vậy, anh chạy vì hòa bình thế giới chăng? Anh làm điều này vì những người vô gia cư à? Hay anh chạy vì quyền phụ nữ? Hay là vì môi trường? Hay vì động vật?
- Chỉ là tôi thấy thích chạy thôi!”


Những năm 80, 90 của thế kỉ XX, trào lưu “phản trí” (Anti-intellectualism) bắt đầu nhen nhóm tại Hoa Kỳ, khởi nguồn từ cuốn sách đoạt giải Pulitzer có tựa đề “Anti-intellectualism in American Life” (1963) của nhà sử học Richard Hofstadter. Trong tác phẩm của mình, Richard Hofstadter đã đưa ra khái niệm về tư tưởng “phản trí” của một nhóm trung lưu chống lại các đặc quyền của tầng lớp “élite” (tinh hoa) của Mỹ thời điểm đó. 

Đó là xu hướng chống lại các học thuyết hiện đại đang ngày càng nghiêm trọng, phức tạp và rườm rà, đến gần với sự “tối giản hóa” trong tư duy để nhìn nhận lại sự vận động của lịch sử văn hóa và xã hội Mỹ một cách đơn giản, nhẹ nhàng và nguyên sơ nhất.

Cùng với trào lưu này, những năm 80 của thế kỉ trước, các nhà làm phim của Hollywood đã nắm bắt rất nhanh tư duy của thời đại, một loạt các tác phẩm thuộc thể loại “Anti-intellectual movies” (Điện ảnh phản trí) đã ra đời trong giai đoạn này như: The Shawshank Redemption, Pulp Fiction… và tiêu biểu hơn tất cả, đó chính là Forrest Gump.


Forrest Gump là bộ phim điện ảnh của đạo diễn Robert Zemeckis được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của Winston Groom. Phim được công chiếu lần đầu tại Hoa Kỳ vào tháng 7 năm 1994, với sự tham gia diễn xuất của các ngôi sao: Tom Hanks (vai Forrest Gmp), Robin Wright (vai Jenny Curran), Gary Sinise (vai Trung úy Dan), Mykelti Williamson (vai Bubba) và Sally Field (vai mẹ Forrest) .



Phim là câu chuyện về cuộc đời của cậu bé Forrest Gump bị thiểu năng trí tuệ, đứa con trai tội nghiệp của người mẹ đơn thân tại vùng Greenbow, Alabama nước Mỹ. Câu chuyện trải dài từ khi cậu còn nhỏ tới khi trung niên và trở thành một người cha. Với chỉ số IQ bằng 75 và các khớp xương cột sống bị cong vẹo, phải sử dụng nẹp chân để di chuyển nên thời đi học, Gump bị bạn bè xa lánh, giễu cợt, thậm chí bị tấn công. Tuy nhiên, với trí tuệ ngây thơ, đơn giản, cùng sự yêu thương của người mẹ, và một trái tim nhân hậu, Gump đã biến những bi kịch đời mình thành những giá trị lớn lao, anh tạo ra những kì tích từ chính những điều vô cùng bình thường, bé nhỏ, mà anh có.