Thứ Ba, 21 tháng 12, 2021

Noel ở Pháp có gì đặc biệt


Trước Giáng sinh - Từ giữa tháng 10 đến 24 tháng 12

Ở Pháp, Giáng sinh theo truyền thống là một dịp đặc biệt mà các gia đình tụ họp giống như Tết ở Việt nam. Trong khi đó, năm mới là một sự kiện thường dành cho bạn bè. 

Lịch mùa Vọng - Calendrier de l'Avent

 Đây là một loại lịch đặc biệt dùng để đếm ngược đến ngày 25 tháng 12. Thông thường, lịch có 24 hoặc 25 cánh cửa nhỏ để mở mỗi ngày và bên trong là những món quà nhỏ được giấu trong đó. Truyền thống này bắt đầu đầu tiên ở Đức vào thế kỷ XIX, sau đó nó lan rộng ra khắp thế giới. Ở Pháp, lịch được bán từ giữa tháng 10, báo hiệu mùa Giáng sinh sắp tới. Hiện nay lịch có nhiều kiểu dáng và hình thức khác nhau, những món quà nhỏ có thể là sô cô la, kẹo, mỹ phẩm, trà, rượu, bia, pho mát, hoặc thậm chí là gan ngỗng! Các cửa hàng bánh ngọt hay sô cô la nổi tiếng đều có bán Lịch Mùa Vọng và chắc chắn không thể bỏ qua những cái tên như Pierre Hermé, Lenôtre, Sébastien Gaudard

Cây thông Noel

Trang trí nhà cửa là điều cần thiết trong dịp lễ giáng sinh. Ở Pháp, cây thông Noel không phải là giả mà hầu hết là thật! Người Pháp thường mua một cây thông ở các cửa hàng hoa, chợ hoặc siêu thị. Những nơi này sẽ bày bán cây với nhiều kích cỡ khác nhau từ cuối tháng 11. Lý do tại sao cây thông được chọn vì luôn xanh tươi ngay cả trong mùa đông và tượng trưng cho cuộc sống vĩnh cửu. Bạn sẽ cảm thấy thư thái khi ngửi thấy hương thơm của những cây thông lan tỏa khắp phố.

Một khi đã có cây thông, công đoạn tiếp theo sẽ là trang trí. Ở Pháp, đồ trang trí cổ điển và dễ thương được ưa chuộng hơn các thiết kế hiện đại. Nếu bạn muốn có được một món đồ trang trí độc đáo, bạn nên đến các khu chợ Giáng sinh. Có rất nhiều món trang trí các họa tiết truyền thống như thiên thần, chuông, ngôi sao, kẹo gậy, tất... được làm bởi các nghệ nhân.

Bên cạnh cây thông Noel, người Pháp đôi khi trang trí cây holly với những quả đỏ trên bàn hoặc trong nhà. Tuy nhiên, vòng hoa lại không phổ biến lắm ở Pháp.

Tượng Santon

Trong dịp lễ cuối năm, mọi người thường bày “Cảnh Chúa giáng sinh”, còn gọi là “Crèche”, tại nhà và trong các Nhà thờ. Là những bức tượng nhân vật có chứng kiến sự ra đời của Chúa Giê-su. Vào tháng 12, người dân Pháp trưng bày "crèche" với kích thước thu nhỏ tại nhà riêng trong khi bạn sẽ có thể thấy khung cảnh lớn hơn nhiều ở các nhà thờ. Truyền thống này ra đời ở miền Nam nước Pháp vào cuối thế kỷ XVIII. Bắt đầu ở Provence, nhưng dần phát triển khắp nước Pháp. Bối cảnh thực sự về cuộc phiêu lưu của Chúa Giê-su là ở Palestine, nhưng các Santon mặc trang phục truyền thống của Provence. Những bức tượng nhỏ của santon trong trang phục đầy màu sắc đều rất dễ thương! Trong "crèche", santon tượng trưng cho "em bé" Jesus chỉ được thêm vào lúc nửa đêm ngày 24: lúc Chúa ra đời. Vào ngày 6 tháng 1, 3 bức tượng nhỏ của Magis được thêm vào cho ngày Hiển linh. 

Chợ Giáng sinh (Marché de Noël)


Chợ Giáng sinh (Marché de Noël) là địa điểm không thể bỏ qua dịp này. Uống rượu vang nóng hoặc sô cô la nóng, ăn bánh raclette nóng đầy phô mai chảy hoặc bánh churros mới chiên, mọi thứ ở chợ Giáng sinh đều hấp dẫn và đáng thử. Chợ Giáng sinh nổi tiếng nhất ở Pháp là chợ ở Strasbourg. Thành phố được mệnh danh là “thủ đô của Giáng sinh”, nơi này giống như một xứ sở thần tiên vào dịp cuối năm, là một nơi mà bạn nên đến một lần trong đời! Bên cạnh vùng Alsace, chợ của Lyon cũng rất quyến rũ và Vườn Tuileries hoặc La Défence là những nơi có chợ Noel lớn ở Paris và ngoại ô Paris. Bạn còn có thể tìm thấy ở đây những món đồ thủ công đặc sắc.

Ngày Giáng sinh - 24 và 25/12




Vào ngày 24, tất cả các cửa hàng đóng cửa sớm hơn thường lệ, mọi người trở về nhà. Rồi ngày hôm sau, đường phố sẽ trở nên hoàn toàn yên tĩnh. Hãy xem điều gì sẽ xảy ra trong 2 ngày này dưới đây!
Một trong những điểm đặc trưng nhất của Giáng sinh là một núi quà rất lớn! Ở Pháp, mọi người tặng quà cho tất cả các thành viên trong gia đình từ trẻ nhỏ đến ông bà. Người Pháp đặt những món quà của họ dưới cây thông Noel. Đầu tiên, họ để dép hoặc giày của tất cả các thành viên trong gia đình dưới gốc cây. Sau khi trẻ em ngủ quên vào đêm 24, người lớn để quà bên cạnh giày của người nhận để trẻ có thể biết được quà là của ai. Sau đó, sáng hôm sau mọi người bắt đầu mở quà của mình. Thật vui khi tất cả họ trao nhau những món quà thể hiện tình cảm. Tại sao không tặng quà cho mọi thành viên trong gia đình để cảm ơn họ trong dịp Giáng sinh này nhỉ?

Thói quen đón Giáng sinh của người Pháp đang thay đổi theo thời gian, nhưng theo truyền thống, có 2 bữa ăn đặc biệt cho Giáng sinh. Đầu tiên, được gọi là "Réveillon", là bữa tối của ngày 24. Đó là một bữa tối "đơn giản" không có thịt. Họ thường ăn chay hoặc các loại hải sản như hàu, tôm, tôm hùm,... Ở Provence, người ta thường ăn 13 món tráng miệng tương ứng với 12 vị tông đồ và chúa Jesus. Có bánh mì dầu ô liu truyền thống có tên "la pompe à l’huile d’olive", bánh kẹo và bánh ngọt địa phương (chẳng hạn như calissons nổi tiếng của Aix), nougat, kẹo trái cây, trái cây tươi và khô (nho khô, hạnh nhân, quả sung, quả phỉ). Vào tối ngày 24 mọi người ăn một phần nhỏ gồm 13 món tráng miệng khác nhau, để có được may mắn.

Bữa ăn nổi bật với thực đơn toàn món đặc biệt vào ngày 25. Tất nhiên, bữa ăn chỉ bắt đầu sau khoảng thời gian dài thưởng thức những món apéritif khác nhau. Bữa chính thường bắt đầu với gan ngỗng, rồi đến gà tây với hạt dẻ cho món chính. Chắc chắn, có một món tráng miệng đặc biệt là phần cuối cùng của bữa ăn Giáng sinh kiểu Pháp.

Bánh Giáng sinh của Pháp là bûche de Noël (bánh khúc cây). Đúng như tên gọi, chiếc bánh có hình dạng của khúc gỗ. Về cơ bản, đây là một chiếc bánh cuộn phủ kem, nhưng thiết kế và thành phần khác nhau tùy theo từng loại bánh. Lịch sử của bûche de Noël lâu hơn nhiều so với cây thông Noel hay crèche, từ thời Trung cổ. Có lẽ, đây từng là một khúc gỗ thật! Ở một số quốc gia nói tiếng Pháp ở Châu Âu, có nhiều truyền thuyết khác nhau về khúc gỗ này. Một trong những nguồn gốc là một khúc gỗ cây ăn quả rất lớn để đốt trong lò sưởi. Người ta chọn một gốc cây lớn để có thể sưởi ấm ngôi nhà từ ngày 24 tháng 12 đến ngày 1 tháng 1. Một số khác lại giải thích rằng đó là sự tôn kính đối với mặt trời trong những ngày mùa đông đen tối.

Ngày nay, món tráng miệng này đã được biến tấu và đa dạng hơn như làm bằng mousse, kem,... Bûche de Noël sẽ là nơi gia đình quây quần và nở nụ cười giống như một lò sưởi ấm áp hiện đại.
Thời điểm hoành tráng nhất của Lễ Giáng sinh ở Pháp là các buổi thánh lễ và hòa nhạc đặc biệt được tổ chức tại các nhà thờ vào đêm 24 tháng 12. Người Pháp muốn đón Giáng sinh theo truyền thống, đến nhà thờ vào đêm 24. Mỗi nhà thờ có lịch khác nhau, bạn có thể xem chi tiết tại đây. Bầu không khí của Thánh lễ lúc nửa đêm rất trang nghiêm và thanh tịnh.

Nếu bạn ở Pháp vào Giáng sinh này và dự định tham gia Thánh lễ Giáng sinh, lễ thường kéo dài 1 - 2 giờ trong nhà thờ có nhiệt độ lạnh, nên nhớ mặc quần áo thật ấm với găng tay, ủng,...

Hơn nữa, tại một số nhà thờ, sẽ có một vở kịch về Chúa giáng sinh. Nếu muốn xem chi tiết, các bạn có thể tìm kiếm "crèche vivant"

Đêm giao thừa được gọi là “réveillon du Nouvel An” và đây cũng là một sự kiện quan trọng ở Pháp, nhưng không khí khác hoàn toàn so với Giáng sinh. Vào thời khắc giao thừa, người Pháp thường tổ chức tiệc tại nhà với bạn bè. Đó không phải là một sự kiện long trọng mà là một sự kiện thú vị. Người Pháp thường mời bạn bè, dùng một bữa ăn đầy đủ từ khai vị đến tráng miệng. Thực đơn khá giống với thực đơn dành cho Giáng sinh. Sau đó, họ khiêu vũ suốt đêm trong khi uống sâm panh. Vào lúc nửa đêm, mọi người nói “Bonne année (Chúc mừng năm mới)” và hôn nhau, gọi điện cho gia đình hoặc gửi tin nhắn để chúc một năm mới hạnh phúc.

Văn hóa thú vị là cây tầm gửi. Bạn có thể đã thấy nó trong các bộ phim. Ở Pháp, người ta gắn một cây tầm gửi vào đèn chùm, và họ hôn người thân của mình dưới cây tầm gửi vào lúc nửa đêm. Đó là một truyền thống rất cổ xưa có nguồn gốc từ người Celt. Cây tầm gửi tượng trưng cho sự bất tử vì lý do giống như cây thông Noel (luôn xanh tươi). Vì vậy, nó được cho là có thể chữa khỏi bệnh tật, mang lại khả năng sinh sản và hạnh phúc. Ngày nay, phong tục hôn nhau dưới gốc cây tầm gửi vào lúc nửa đêm để cầu may mắn và hạnh phúc trong tình yêu vẫn còn tồn tại.


Lễ Hiển Linh kỷ niệm chuyến viếng thăm của ba nhà thông thái đến Bethlehem bằng cách đi theo ngôi sao sáng trên bầu trời vào ngày Chúa Giê-su sinh ra. Cuộc hành trình của họ kéo dài 12 ngày trước khi họ nhìn thấy Chúa Giê-su và tặng quà cho cậu bé (đó là lý do tại sao Lễ hiển linh diễn ra 12 ngày sau lễ Giáng sinh). Để thể hiện khung cảnh này, có một truyền thống để thêm 3 bức tượng Santon của những nhà thông thái vào crèche ngày 6 tháng 1.

Galette des rois




 Ở Pháp, phần lớn ngày lễ đều là ngày lễ tôn giáo, còn lại là ngày lễ liên quan đến chính trị (cách mạng) hay năm mới. Ngày lễ hiển linh là một trong những lễ trọng lâu đời nhất của Kito Giáo được cử hành vào ngày mùng 6 tháng 1 hằng năm. Ở ngày lễ này người ta sẽ ăn món bánh vua (trong tiếng anh gọi là  kings’ cake trong tiếng pháp gọi là Galette des rois). Sau bữa ăn, cả nhà tụ tập lại quanh bàn ăn để thưởng thức món galette des rois này. 

Galette des rois, bánh vua là một món bánh truyền thống của Pháp được ăn vào tháng giêng. Bánh được làm từ vỏ bột ngàn lớp (pâte feuilletée) và bột hạnh nhân. Bên trong nhân bánh được dấu một con búp bê nho nhỏ bằng sứ gọi là con fève. Khi ăn cắt ra thành nhiều phần, người nào được con fève thì được làm vua hoặc hoàng hậu và sẽ được đội vương miện suốt bữa ăn. Tục truyền rằng nếu đầu năm ai được con fève thì sẽ hên suốt năm.

Bánh vua là tục lệ cổ truyền của Pháp giống như người Việt ăn bánh chưng bánh tét vào dịp tết. Có một điều đặc biệt là ở điện Elysées – dinh tổng thống Pháp, khi tổng thống đãi bánh này thì không có con fève ở trong bánh vì một đất nước đã có tổng thống thì không có vua.

Chuyện “làm vua một ngày” có lẽ xuất hiện từ thời La Mã. Vào dịp lễ Thần Nông Sature (đông chí tháng 12) đã xuất hiện truyền thống chủ và nô lệ ăn chung một bàn. Tất cả cùng tham gia một bữa tiệc mang tính chất gia đình để hồi tưởng Thời đại Hoàng kim (còn được gọi là Mùa Xuân Vĩnh hằng), theo đó, mọi người đều bình đẳng và nô lệ không còn là nô lệ nữa. Trong bữa tiệc, người ta “bầu” một ông vua tưởng tượng có quyền ra lệnh, sai bảo người khác trong ngày đó. Tuy nhiên, chuyện chọn vua này không liên quan đến chiếc bánh galette.

“Bánh galette có nguồn gốc từ chữ “galet” trong tiếng Pháp để chỉ hòn đá tròn mà người ta thường thấy trên bãi biển. Sau này, người ta cũng nói là bánh tròn như Mặt Trời.

Ngoài ra, còn có loại Bánh Vua dạng brioche tròn (gâteau des rois) ở miền Nam nước Pháp, được đục lỗ ở giữa, và được gắn thêm rất nhiều hoa quả khô ở trên. Ở một số vùng, như Cévennes, chiếc bánh rất đơn giản, không có hoa quả khô, mà người ta vẫn gọi là “vương miện của người nghèo”.

Lớp nhân hạnh nhân “frangipane” xuất hiện vào khoảng năm 1850. Nhưng trước đó, chỉ đơn giản là một chiếc bánh nhiều lớp, có thể được làm từ "bột ngàn lớp" (pâte feuilletée). 

Dưới thời Cách Mạng Pháp, không còn chuyện bầu vua, nhưng truyền thống chia sẻ chiếc bánh galette vẫn còn đó. Vì vậy mà xuất hiện loại “Bánh Tự do” hay “Bánh Bình đẳng”, không có tượng cũng chẳng có vua. Cũng dựa trên nguyên tắc này, điện Elysée giữ truyền thống cùng chia Bánh Vua từ thời tổng thống Valéry Giscard d’Estaing. Tùy theo loại Bánh Vua “galette” hạnh nhân (miền bắc Pháp), người ta chọn loại rượu vang trắng hoặc champagne phù hợp, còn với loại Bánh Vua “gâteau” (miền nam) đậm vị ngọt của hoa quả khô, người ta lại chọn một loại rượu muscat để uống cùng.

Một số điểm vui chơi Noel tại Paris 


1) Montgolfière géante 261 Rue Saint-Honoré, 75001
2) Gigantesque ours de lumière - Le Village Royal 25, rue Royale Paris 8e
3) La rue des BULLES - rue des Canettes 75006
4) Un ciel de 1200 parapluies -  Bercy Village - Cr Saint-Emilion, 75012 Paris
5) Les Galeries Lafayette - 75009
6) Parc de la Villette
211 avenue Jean Jaurès - 75019 Paris 19
Vào cửa miễn phí

Không có nhận xét nào: