Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2021

The Intouchables - Những kẻ bên lề

Có thể cái tên này không đặc biệt ấn tượng với bạn, bạn cũng chẳng hiểu được, sao lại là bên lề, tại sao lại ngoài cuộc?

Thực sự, khi tiếp xúc với những người yếu thế và khuyết tật, bạn mới hiểu được cảm giác bên lề ấy, họ không như người bình thường, họ thiếu những điều người bình thường có, nhưng họ lại cũng có những đặc quyền khác người thường, điều đó làm họ khác người. Người phải ngồi xe lăn và người đến từ khu ổ chuột thành phần ngoài xã hội, cả hai đều có những khó khăn để có thể sống tốt và hòa nhập vào xã hội mà đang và đã gạt họ ra như một sinh vật bình thường.

Có những khoảnh khắc bất lực mà chính bạn, nếu không ở trong hoàn cảnh đó thì không cảm nhận được, nhưng một khi đã hiểu thì bạn sẽ rất đồng cảm và thấy được cảm giác xúc động mà bộ phim mang lại.

Philippe giàu có, bị liệt tứ chi, tìm kiếm một người chăm sóc mới. Driss, một thanh niên người Senegal mới ra tù, sau đó đi phỏng vấn xin việc nhưng chỉ để được ký vào một tờ giấy để được trợ cấp thất nghiệp. Không có kinh nghiệm, cũng chẳng có mong muốn làm việc nhưng cuối cùng anh lại được Philippe chấp nhận.

Ngay từ khi bắt đầu, tại sao Philippe lại nhận Driss, một thanh niên không đáng tin làm việc? Có lẽ chỉ vì có mỗi Driss coi ông như một người bình thường, không phải một người tàn tật đáng thương!

Trải nghiệm cá nhân của mình trong làm việc với người yếu thế, thì Driss thật sự là một người xứng đáng. Có một buổi học chúng mình có được nói chuyện với một nhân chứng bây giờ là người tàn tật sau tai nạn, cô không đi lại được và hoàn toàn phải nhờ sự trợ giúp cho mọi việc ngoại trừ nói và viết. Cô ấy vẫn đi học là làm giảng viên diễn thuyết. Dù cho cô ấy có giỏi giang và cố gắng như thế nào, vẫn có một bạn trong lớp giơ tay hỏi, "Bạn có ổn không? Tôi không biết làm sao mà bạn có thể sống được với tất cả những điều này, làm sao mà bạn có thể sống được vậy?". Thực sự lúc nghe câu đó, mình đã sock, rất sock, tại sao bạn có thể hỏi một ai đó rằng, sao mày vẫn sống được với một đống bùi nhùi hỗn độn như thế vậy? 

Tại sao vẫn còn sống? 

Tại sao thế? 

TẠI SAO LẠI KHÔNG SỐNG ĐƯỢC? 

Việc bạn đang rất khó khăn, ngập trong đống bùi nhùi, có xuất thân hèn kém, hay có quá khứ tồi tệ, vậy thì sao, tại sao lại không sống được, tại sao lại không thể sống và cố gắng trong hoàn cảnh tồi tệ? 

Có những người, sẽ chỉ luôn nhìn vào kết quả, mà không quan tâm tới việc người khác phải cố gắng, đau khổ nhưng vẫn sống như thế nào. 

Không phải thế giới luôn có một Driss đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, từ người đàn ông giàu có tàn tật đến người mẹ lạnh lùng đau khổ, đến đứa em hư hỏng đánh nhau, với anh, ai cũng là người đáng được yêu thương. Cũng không phải luôn luôn có một Philippe, luôn thấu hiểu cho người khác, chấp nhận, cởi mở và thoải mái với những điều khác lạ. 


Một bữa tiệc sinh nhật "nhàm chán" của giới quý tộc, Driss đã mở bài hát và nhảy, điệu nhảy nổi tiếng của Michael Jackson, một bữa tiệc cảm động và vui vẻ có thể truyền cảm hứng tới tất cả mọi người.

Philipe là 1 người đàn ông da trắng thượng lưu một doanh nhân thành đạt, có trí tuệ nhưng lại bị liệt toàn thân vì gãy 2 đốt sống cổ lúc chơi môn thể thao dù lượn mạo hiểm." Tôi được dạy để đứng trên đầu của những người khác!” Nhưng bên trong ông là một con người tuyệt vọng với những nỗi niềm chất chứa của một người giàu có nhưng bất lực với cuộc sống. 

Driss là 1 người đàn ông da đen, kiểu dân dưới tầng đáy xã hội điển hình ở Pháp, sống nhờ vào tiền trợ cấp thất nghiệp từ chính phủ, không công việc, không ước mơ, không học thức, vào tù ra tội dễ như trở bàn tay, mẹ anh cũng chẳng quan tâm anh biến mất lúc nào và cũng chẳng chào đón anh về nhà làm gì. Nhưng ở Driss là bản năng mạnh mẽ, cố gắng sống sót đầy mạnh mẽ.

“Đôi khi, bạn phải bước vào thế giới của một ai đó để nhận ra điều bạn đang thiếu trong chính thế giới của mình…”

Và đây là một bộ phim dựa trên một câu chuyện, có thật!


Tình bạn thật sự là vậy, họ đã gặp nhau, bổ sung cho nhau và giúp đỡ lẫn nhau một cách vô tư nhất. 

Philippe với kho kiến thức tuyệt vời của mình đã đem tới cho Driss những trải nghiệm mới lạ – từ cung cách sống thượng lưu trong căn biệt thự, cách đối xử tinh tế với phái nữ, cách cảm nhận một tác phẩm nghệ thuật tranh trừu tượng và âm nhạc giao hưởng của Mozart, Vivaldi, Beethoven, Bach, Chopin; chơi trò dù bay của giới thượng lưu cho tới cách mặc một bộ suit đứng đắn lần đầu tiên trong đời. Gặp Phillipe cũng là cơ hội cho anh bộc lộ phần tốt trong tâm hồn mình. Bạn trông chờ gì ở một kẻ tù tội, vô trách nhiệm và cũng chẳng có tí yêu đời hay thưởng thức cuộc sống? Thử nghĩ tới việc giao mạng sống, tài sản của mình vào một người mà bạn không có tí niềm tin và hi vọng như vậy đã là khó rồi. Nhưng Philipe đã làm, thậm chí còn tin vào anh ta. Những trải nghiệm này sau đó đã kích thích sức sáng tạo trong Driss để anh vẽ nên một tác phẩm “hiệu ứng cánh bướm hỗn độn” khá ấn tượng mà sau đó nhờ tài ăn nói của Philippe, anh có được 11 000 Euro từ việc Phillipe bán bức tranh. Và sau một thời gian dài trải nghiệm cùng Philippe, Driss thì lại học được cách sáng lập và điều hành một doanh nghiệp thành công.

Còn Driss với trải nghiệm của một cậu nhóc kiên cường từ khu ổ chuột, tạo nên một khí chất linh hoạt mang tính cách hài hước cùng một chút khôn vặt đã giúp cho Phillipe một chút mạo hiểm và quá khích để trải nghiệm các thú vui thường nhật như massage yoni, hút cỏ, lái siêu xe ở tốc độ cao thay vì sử dụng xe y tế thông thường, nói những câu chuyện đùa vui để kéo Phillipe ra khỏi những trầm cảm của bản thân, cho Philippe thấy sự ân cần và nghiêm khắc của người cha để giáo dục con cái cư xử đúng mực, cho cậu bạn trai còn ngông cuồng của con gái Philippe biết cách đối xử tử tế với phụ nữ và cuối cùng là cho Philippe đủ can đảm để gặp mặt cô bạn gái tâm thư trong suốt 6 tháng liền.

Philippe đã học được cách lấy lại tự tin vào chính bản thân mình rằng : “Dù có khiếm khuyết cơ thể nhưng những nhu cầu căn bản thì ông hoàn toàn có thể được trải nghiệm.” Và ông đã tái hôn với cô bạn gái tâm thư sau buổi hẹn hò thành công đầu tiên được Driss sắp đặt, mà trước đó ông còn lo sợ rằng cô ấy không thích mình mà chỉ thích tài khoản ngân hàng của ông. 

Ta có đặt câu hỏi ai nhận được ở đây nhiều hơn không, sự giúp đỡ nào lớn hơn không, là Philippe tìm lại được ý nghĩa cuộc sống hay là Driss tìm được con đường để đi? 

Có lẽ chẳng quan trọng, quan trọng là họ sát cánh bên nhau và giúp nhau sống tốt! 

Rõ ràng đó là một câu chuyện cổ tích!

Nhưng lại là một câu chuyện cổ tích cảm động.

Người cho người, người tặng người những điều người kia thiếu mà không vụ lợi. 

Nếu Tout le monde debout (Lăn đến bên em)  hay Me before you (Trước ngày em đến) là những bộ phim tình cảm lãng mạn về cuộc sống của người khuyết tật thì The Intouchables - Những kẻ bên lề là bộ phim cuộc sống đời thường hơn rất nhiều, màu sắc phim cũng lạnh và u tối hơn với tông màu chủ đạo là trầm, màu đen của vương giả, màu đen của cuộc sống khu ổ chuột, màu đen của màn đêm,..... Đây có lẽ là bộ phim nhân văn nhất mình có thể tìm thấy trong cuộc sống này. 

Bộ phim cho thấy bộ mặt của xã hội: 

Khó khăn trong sinh tồn, cạnh tranh công việc, sự khác biệt màu da, trình độ văn hóa, sự khác biệt giàu nghèo… Nhưng đồng thời phim còn truyền tải hai thông điệp chính có giá trị:

Tầm quan trọng của tình bạn chân chính.

Cách đối phó với các vấn đề của chúng ta đã tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của chúng ta. 




2 nhận xét:

Nặc danh nói...

bộ phim tưởng chán nhưng hóa ra không hề chán, mình định xem mấy lần rồi nhưng 2,3 lần đầu xem thấy chán quá không xem hết nổi, nhưng hóa ra xem xong ai cũng phải công nhận là hay

Mèo lang thang ngày mưa nói...

Thi thoảng xem lại mình cũng thấy vẫn cảm động; đôi khi cuộc sống của một người khuyết tật có nhưng giới hạn mà đặc biệt khi ta biết có những số phận chẳng thay đổi đến tận cùng, khi ta sống cùng những trải nghiệm đó, ta mới thấy sự nhân văn và cảm hứng từ câu chuyện có thật ấy.
Mình cũng giống bạn :°)