Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

Viết lách mỗi ngày

Chào mọi người, là mình, linhlinh đây!

Xin lỗi vì lâu lắm rồi mình không viết gì trên blog, một phần vì mình lập nhà mới linhlinh.net, và bận đi chơi đi làm, hix. Mình cũng biết đợt cao trào gần 20k lượt xem mỗi tuần đã bỏ mình đi từ lâu lắm rồi vì mình không duy trì được sự chăm chỉ, nỗ lực và tận tâm cho những đứa con tinh thần này. 

Mình có thấy có lỗi, có tiếc không? Có đó, nhưng cuộc sống mà, có những lúc chúng ta sẽ đi lạc, sẽ cần thay đổi, cần phát triển, cần rẽ hướng, cần nghỉ ngơi.

Mình đã định viết một bài chào tạm biệt, tạm ngừng hay gì đó đại loại vậy, nhưng mình nghĩ lại, dù gì meolangthangngaymua sẽ vẫn luôn ở đây và tiếp tục bước tiếp, nên mình không nghĩ cần phải đặt dấu chấm nào hết cho blog này.

Vì vậy, thi thoảng mình sẽ vẫn viết bài trên này, cảm ơn mọi người vẫn để tâm đến mèo như vậy^^ 

Mình quyết tâm, sẽ viết lách mỗi ngày, không để mọi thứ dần bị quên lãng và thui chột đi. Và cũng là bài viết chia sẻ cho mọi người, cách mình duy trì viết lách hàng ngày như thế nào, viết lách không khó và cũng không nhàm chán, đó là một cách luyện tập tư duy, luyện tập ngôn từ, tái tạo ý tưởng và kích thích sáng tạo. 

Cách rèn luyện để viết mỗi ngày

Tư duy đầu tiên khi luyện viết: Đừng đặt áp lực!

Đừng nghĩ rằng mình phải viết hay, phải viết giỏi, phải có người nghe, phải có người đọc.

Hãy nghĩ tới việc viết cho bản thân mình, cất lên tiếng nói của bản thân, suy nghĩ của cá nhân. Khi mình mới lập blog này, mình hoàn toàn làm một cách vô tư, viết vì mình thích, mình cũng chẳng đặt nặng điều gì, phải 2-3 năm sau mình mới có người đọc và yêu thích các bài viết. Có thể trường hợp mình là làm vì đam mê, còn bạn, nếu không định theo đuổi nghề chuyên nghiệp, thì cũng có thể viết cho bản thân, để tĩnh tâm, chữa lành và hiệu quả hơn. 

Thực hành journaling (ghi chép cá nhân) như một phương pháp rèn luyện tư duy tích cực mà mình sẽ nói tới trong bài viết này. 

Hình thức viết  journaling 

Journaling tốt nhất cho những ai hay có nhiều suy nghĩ, lo âu, nhạy cảm, nhưng ngại chia sẻ với người khác. Với đối tượng này, journaling là cách họ tự đối thoại để tư vấn tâm lý cho chính mình, an ủi bản thân, và hướng tâm trí đến những nơi tích cực, sáng sủa hơn. Những ai hay lo âu, trầm cảm mà chưa có điều kiện đến gặp bác sĩ tâm lý thì rất nên thử journaling trước ở nhà xem mình có thể hiểu được bản thân đang nghĩ gì và có giải pháp nào để cảm thấy khá hơn được không, trước khi tìm đến sự trợ giúp bên ngoài. 

Vì journaling là tâm sự của bản thân nên nó mang tính chủ quan rất cao; nếu ta có suy nghĩ nào sai lệch thì khi viết, chưa chắc ta đã nhận ra được sự sai lệch này, thêm nữa nếu không muốn mở lòng thấu hiểu, chân thành chân thật với bản thân, thì bạn cũng sẽ chỉ đưa ra những trang viết nhạt nhòa, đều đặn mỗi ngày nhưng không có sức sống.

Viết khi nào ? 

 Lý tưởng nhất  là bạn không đợi, không quên, không mặc cả mà hãy đặt lịch, luôn đặt lịch viết vào một khung giờ cố định, thường đó có thể là khung giờ buổi sáng, khi bạn có không gian yên tĩnh, chưa bị hối thúc vào guồng quay của ngày hôm đó, hãy viết để bắt đầu. 

Hoặc bạn có thể đặt lịch viết vào tối một ngày, khi bạn chắc chắn khoảng thời gian đó bạn rảnh, 22h -23h, yên tĩnh tại bàn với ánh đèn vàng, 

Tuy nhiên, bạn cũng có thể linh hoạt, nếu hôm đó bạn không duy trì được lịch cố định, bạn có thể viết vào lúc khác, viết vào buổi trưa, viết trong giờ nghỉ, viết ngoài ghế đá, viết khi chờ xe buýt…

Nếu bạn quên viết? Cũng không sao cả, bạn không cần bắt ép mình hoàn hảo, ngày nào cũng đều đặn như ong thợ. Đơn giản hãy chấp nhận không phải ngày nào mình cũng có nhu cầu nói chuyện, tâm sự, phản biện, có những ngày mình chỉ muốn yên tĩnh một mình, chỉ muốn lang thang đi chơi...... hoặc bận rộn đi làm,..... bạn chỉ cần viết khi bạn muốn thôi!

Nên viết về điều gì

Nếu bảo cứ viết đi, dù không biết viết cái gì, nếu chỉ viết linh tinh thì khả năng cao là chúng ta chẳng rèn luyện thêm được tí kĩ năng nào cả đâu. 

Vì vậy, bạn cũng cần đa dạng và có mục tiêu  luyện viết:


– Viết tự do

Viết về ý tưởng lóe lên trong đầu ngay thời điểm viết, một ý tưởng, một câu nói, một chủ đề.... 

Bắt đầu bằng việc sắp xếp các suy nghĩ của chính bạn lên trang giấy, bạn hiểu về con người mình hơn, bạn sẽ thấy mình đam mê điều gì, mong muốn điều gì và định hướng đúng đắn cho cuộc đời.

- Viết journaling - dạng nhật kí tâm sự 

+ Mỗi ngày, bắt đầu bằng một câu notes/quotes/ sưu tầm 

+ Ngày hôm nay bạn dự định làm gì/  bạn sẽ làm gì để ngày hôm nay trở nên tuyệt vời

+ 3 điều khác lạ/  tuyệt vời gì đã xảy đến với bạn 

+ Bạn cảm thấy biết ơn về.....

+ Bạn đáng lẽ có thể làm gì / lựa chọn gì khác - hối tiếc, muốn thay đổi ......


– Viết kể chuyện (câu chuyện, tâm sự) 

Hầu hết là viết về những cảm xúc, ký ức, kỷ niệm trong cuộc đời. Về lần đầu tiên đi làm, lần đầu phỏng vấn, lần hẹn hò đầu tiên, ....

Hoặc bạn có thể viết những câu chuyện gợi lên nhiều cảm xúc mà bạn quan sát được từ người khác, có cảm hứng từ thế giới quan của bạn


– Viết content quảng cáo ( viết để rèn ngôn từ sắc bén thuyết phục)

Luyện viết bằng những chủ đề liên quan đến quảng cáo giúp bạn rèn một kĩ năng sống và kiếm được tiền. 

Mục đích của viết content quảng cáo là bạn biết cách khơi gợi lên nhu cầu của độc giả, chỉ cho họ thấy thứ họ thiếu và thứ họ cần,  đem đến cảm xúc mãnh liệt, thúc đẩy người đọc hành động một điều gì đó thông qua những con chữ.

Nên chọn 1 sản phẩm cụ thể để viết content quảng cáo, có thể là quyển sách bạn vừa đọc xong, chiếc áo bạn thích, hay chọn 1 sản phẩm của nhãn hàng nào đó và viết quảng cáo cho nó…

Cách 1: Kể câu chuyện liên quan đến bài viết rồi bắt đầu vào nội dung.

Câu chuyện có thể là của bạn, bạn chứng kiến, hoặc bạn được nghe kể lại. Thậm chí nó có thể là câu chuyện của bạn bè hoặc người quen,… (Hãy lưu lại những câu chuyện để làm chất liệu cho bài viết nhé!)

Cách 2: Mở đầu trực tiếp vấn đề bằng cách “Hôm nay vô tình đọc được/xem được/trải nghiệm được abc thế nên mình muốn viết vài dòng về xyz”.

“Hôm qua mình đọc được…”

“Hôm nay mình nhìn thấy…”

“Vào 4 năm trước, mình từng gặp…”

“Đề bài hôm nay là…, và mình muốn viết đôi dòng về…”

Cuối cùng : Thông điệp quảng cáo/ kết bài ngắn gọn và đơn giản

Cách 1: Viết một câu trích dẫn hoặc câu kết chốt lại vấn đề cần nói, để in dấu ấn trong lòng người đọc.

Cách 2: Đặt ra một câu hỏi hoặc để lại lời nhắn nhủ để tương tác với độc giả.

Lập kế hoạch chi tiết khi viết

30 chủ đề viết của https://duongstory.com/30-chu-de-luyen-viet-moi-ngay/

Cấp độ 1: Viết để kể

Trong 10 chủ đề ở cấp độ 1, bạn sẽ kể những câu chuyện nhỏ nhặt hằng ngày, để nuôi dưỡng đam mê và tạo thói quen viết. Bạn không nhất thiết phải dành nhiều thời gian để làm công việc này, đơn giản dành 15-30 phút mỗi ngày để kể lại những câu chuyện về bản thân bạn.


1. Hôm nay bạn cảm thấy thế nào?

2. Tên của bạn có ý nghĩa gì?

3. Một người mà bạn nghĩ đến lúc này.

4. Một câu nói yêu thích bạn yêu thích và nó có ý nghĩa thế nào với bạn?

5. Một bộ phim/cuốn sách bạn thích hoặc không (nêu rõ lý do vì sao).

6. Hôm nay bạn học được những gì?

7. Liệt kê những điều điều khiến bạn hạnh phúc.

8. Bạn có sở thích gì đặc biệt không, cùng chia sẻ nhé!

9. Một câu chuyện cũ nào khiến bạn nhớ về.

10. Chọn 1 trong 2 chủ đề sau và thực hành viết:

– Nếu được viết thư gửi cho mình năm 18 tuổi, bạn sẽ nói gì?

– Thử viết một lá thư gửi cho chính mình 5 năm sau – về những ước mơ của bạn!


Cấp độ 2: Viết để tốt hơn

Ở bước này bạn sẽ đối diện với những nỗi sợ của bản thân, nhìn nhận những khuyết điểm đã có trong viết lách. Và việc của bạn là đối diện với nó, chấp nhận rằng bạn chưa đủ giỏi. Đồng thời chia sẻ những gì bạn tự tin về trong viết lách.


11. Lỗi sai/điểm yếu trong viết lách bạn muốn cải thiện nhất?

12. Bạn viết vì điều gì?

13. Liệt kê những tác giả sách mà bạn yêu thích và viết 1, 2 dòng tóm tắt về họ.

14. Từ tiếng Việt nào khiến bạn nhầm lẫn?

15. Liệt kê tất cả nỗi sợ khi viết mà bạn từng trải qua?

16. Bạn đã làm gì để vượt qua nỗi sợ khi viết?

17. Hãy nhìn xung quanh và có thứ gì khiến bạn muốn viết ra hay không?

18. Viết về một điều bạn từng ghét hoặc không muốn chia sẻ?

19. Trở ngại lớn nhất về viết lách đối với bạn là gì, bạn đã tìm cách vượt qua nó chưa?

20. Bạn tự tin nhất về điều gì trong viết lách: vốn từ, ngữ pháp, giọng điệu,… Bạn đã làm gì để có được điều đó?


Cấp độ 3: Viết để can đảm hơn

Đối diện với nỗi sợ là học cách nhìn sâu vào mắt nó và tự tin nói rằng bạn có thể làm được. Ở bước này bạn có thể học cách tự biên tập bài viết, đồng thời chia sẻ bài viết trên trang cá nhân hoặc bất cứ nền tảng nào. 


21. Số tiền đầu tiên bạn kiếm được từ viết?

22. Bạn đã tự biên tập bài viết chưa? Hãy đọc bài viết này và tự biên tập bài viết ở chủ đề ngày 12 nhé.

23. Chia sẻ bài Số tiền đầu tiên bạn kiếm được từ viết trên trang cá nhân hoặc một hội nhóm cộng đồng về viết lách. Sau đó viết lại cảm xúc của bạn khi đọc những dòng bình luận từ mọi người.

24. Nghe một bản nhạc hoặc đọc một cuốn sách, sau đó liệt kê 5 từ vựng tiếng Việt mà bạn thấy ấn tượng nhất. Kết hợp với Từ điển tiếng Việt để tra cứu nghĩa của chúng và viết một bài có chứa các từ bạn vừa tìm được. 

25. Từ chủ đề: Trở ngại lớn nhất về viết lách đối với bạn là gì, hãy viết lại mở bài theo những cách khác nhau. Bạn có thể tham khảo những cách viết đoạn mở đầu tại đây.

26. Viết ra 10 điều bạn muốn làm trong tháng này.

27. Danh sách 22 điều bạn muốn hoàn thành trong năm 2022.

28. Trong tất cả thể loại bạn từng trải nghiệm, có thể loại nào khiến bạn thích thú và muốn viết nhiều hơn không? Hãy thử viết nó một lần nữa nhé.

29. Sau 30 ngày thực hành viết liên tục, bạn có nhận thấy mình đã thay đổi (hoặc tiến bộ) điều gì không? Cùng ghi lại những bài học sau hành trình này nhé.

30. Bạn không cần phải viết gì cả, hãy dành thời gian đọc lại bài viết của mình. Bạn đã làm được nhiều hơn bạn nghĩ!


Bạn đã thử thực hành 30 chủ đề luyện viết mỗi ngày trên đây chưa? Chuẩn bị sổ bút hoặc một chiếc laptop và bắt đầu hành trình với con chữ. Hoặc đồng hành cùng mình trong các khóa Học viết 1:1 để hình thành thói quen viết mỗi ngày nhé.


Chia sẻ kinh nghiệm của Làn trong viết để kiếm tiền mà mình thấy khá là bổ ích 


☀️ 1. TÌM JOB

Ban đầu vẫn cứ là phải kiếm được job để có người trả lương cho mình, có người rèn mình đã. 

Giai đoạn này mình sẵn sàng nhận những job giá thấp một chút, thời gian đầu mình chỉ nhận job 50-70k/bài thôi, hoặc 5-8m/tháng luôn á. Lúc này, cái mình cần nhất chưa phải là tiền mà vì mình non quá, chưa có gì nên đi làm để biết là khách cần gì, tạo dựng mối quan hệ, tự rèn kĩ năng viết thay vì tự do thì bắt đầu có khuôn. Khuôn ở đây là theo order, theo brief, plan, … Mấy cái này dân viết lách nghệ sĩ thường bay quá, nên vào guồng sẽ bí bách một chút nhưng thật sự rất cần. 

Một số vấn đề mọi người thường gặp trong giai đoạn này:

🌱 a. Phong cách viết của mình khó kiếm job quá!

Thời mới làm, mình ứng tuyển vị trí content marketing cho nhiều công ty. Mình có làm được không? Có! Nhưng nó cứng, tính hơi bay bay nên em thấy nó khô khan và không hợp với mình, việc viết mãi một chủ đề làm mình cảm thấy nhàm chán, mình đề nghị sếp cho kể chuyện về khách hàng, kể chuyện sản phẩm, … đúng thế mạnh storytelling của mình, sau đó cũng đạt những hiệu quả nhất định. 

Về sau, mình muốn tìm những môi trường viết chill hơn, tự do sáng tác hơn, vậy là tìm những job cầm page quán cafe, homestay, tiệm hoa, cửa hàng sống xanh, … Vẫn có nơi chứa chữ mình còn gì?

Sau thời gian trôi nổi mình nhận ra bất kể chủ đề gì, phong cách như nào, chỉ cần bạn cứng thì vẫn luôn luôn có job dành cho bạn. 

🌱 b. Làm sao để tìm khách?

Khác với dân làm content marketing đều rất rõ trong việc marketing bản thân như nào, xác định tệp khách hàng mục tiêu ra sao thì em thấy dân sáng tạo đơn thuần hoặc đơn thuần viết lách rất không giỏi trong lĩnh vực này. Các bạn thường bị động, ai tìm tới mình thuê thì mình biết vậy chứ không biết cách lao đi tìm khách. 

Tuy nhiên các bạn lại có năng lực sáng tạo rồi, biết viết rồi thì đây là lợi thế rất chi là to để các bạn viết cho bản thân mình một bài tìm job thật nuột và đăng trong những cộng đồng có khách hàng sẵn sàng trả tiền cho bạn. 

Ở một level cao hơn, mình có thể không trực tiếp viết bài tìm job, mà làm những content có giá trị với khán giả về nghề, đăng trong những cộng đồng có khách để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Đây là cách mình chủ động tạo điều kiện để người ta chủ động với mình thôi!!!

ví dụ nhỏ: Mình biết chữ mình hợp các quán cafe, vì thế nên có một giai đoạn mình khá năng suất trong các cộng đồng ấy, content kể chuyện vui vui hôm nay tới quán này thì có gì hay, bạn nhân viên ở quán kia dễ thương thế nào, … Khi mình bắt đầu có chút “được biết đến”, các anh chị quán cafe cũng chủ động liên hệ để mình nhận job content cho page người ta. 

🌱 c. Phát triển.

Tới đây là bạn đã bước một chân vào thế giới của freelancer. 

Để đi sâu hơn với nghề này, tụi mình sẽ cần nâng cao chuyên môn để làm tốt những job hiện có, cái xong mở rộng mối quan hệ, cái xong có thêm nhiều job mới, job sau thu nhập tốt hơn giá trước. 

Một công thức nho nhỏ mình thường cố gắng để áp dụng đó là “thu nhập theo giờ làm việc”. Mình sẽ luôn cố gắng để một giờ làm việc của giai đoạn sau có giá trị hơn giai đoạn trước. 

☀️ 2. VUN VỀ MÌNH

Thật ra một freelancer cơ bản thì nhận job, tăng giá trị job, mở rộng tệp khách, … như bên trên là cơ bản rồi. Nếu tụi mình có năng lực và chăm chỉ, chủ động thì như trên cũng có thể là đủ thu nhập rồi. Nhưng mình muốn nói sâu hơn về phía cạnh thứ 2 đó là “tự xây nhà cho mình”.

Mình có khả năng sáng tạo, có khả năng viết lách, sao mình không dành thời gian để xây kênh cho mình, từ đó tăng độ uy tín trên thị trường freelancer?

Tới giờ mình vẫn áp dụng công thức chỉ dành 30%-40% để kiếm tiền, còn lại mình dùng để xây kênh như một cái bản lề chắc để phát triển. Ví dụ bài viết này, mình dành khoảng 3-4h đồng hồ để triển khai và nghĩ về nó (mà tới giờ vẫn chưa xong), bài viết này không cho mình tiền, nhưng nó phục vụ mục tiêu xây kênh cá nhân của mình. 

🌱 a. Tại sao cần xây kênh cá nhân?

Kênh cá nhân có một vài điểm lợi sau đây: 

- Tự do, thích viết gì viết, theo đúng sở trường và năng lực của mình. Sáng tạo ra những thứ mình tâm đắc và có khán giả tâm đắc với sáng tạo của mình thật sự rất tuyệt. 

- Là bằng chứng thuyết phục nhất trước khách hàng. Khách hàng có quyền nghi ngờ về năng lực của mình và hiệu quả làm việc, tuy nhiên nếu mình có bằng chứng “em đã xây được x kênh đa dạng chủ đề đa dạng tệp khán giả tăng trưởng lên y sau thời gian z” thì đó là một sự bảo chứng, cũng là cách để mình có nhiều khách hơn, giá cao hơn. Kênh cá nhân khi này phục vụ trực tiếp cho việc “kiếm job” bên trên. 

Nhược điểm khi xây kênh cá nhân:

- Nghèo

- Lười. 

Đúng rồi, nghèo vì xây kênh cá nhân thì ai mà thèm trả tiền cho mình? Xây một kênh nội dung cần rất nhiều tâm huyết và công sức nhưng giá trị nhận về chỉ toàn là tinh thần chứ còn tiền thì nhìn thấy  xa xôi lắm. Lười cũng vì không có ai giao việc, không tự ép mình vào khuôn thì khó bỏ xừ, hơn nữa lại không có tiền thì càng nản hơn. Mình bô bô cái mồm bảo “em làm youtube” nhưng cứ làm giật cục được một chút lại bỏ vì lười quá ấy. 

Xây kênh cá nhân là đường dài. Và mình nghĩ nó cần thiết cho những bạn đã có khả năng viết lách và sáng tạo. Mọi người cứ nghĩ là trước mắt thì nó là cánh gà để phục vụ cho công việc của mình trên sân khấu. Còn bao giờ nó lên được sân khấu thì tính sau.

🌱 b. Xây kênh cá nhân như nào?

Mục này quá dài, phức tạp, mình xin mọi người sẽ share trong bài sau, để nghĩ thêm cho chín chín đã.

🌱 c. Khai thác thu nhập từ kênh cá nhân

Sau cái khúc xây kênh như nào, nếu tự tin là mình có năng lực viết lách, sáng tạo tốt thì chắc chắn mình sẽ có khán giả, có kênh oke. Lúc này thì kênh cá nhân sẽ cho mọi người vô vàn cơ hội thu nhập:

- Job về: Khách về, khách sẵn sàng chi trả giá tốt sẽ về, đây là điều đương nhiên vì khi nội dung của mình đã có bản sắc riêng rồi á, khách thích rồi thì họ sẽ chủ động liên lạc và sẵn sàng deal mức  giá tốt hơn. Với một bài viết lẻ hiện tại của em, giá đã tăng tới 20-50 lần so với ngày xưa, đó là bình thường á!

- Booking: Để một kênh nhận được booking, chắc chắn kênh ấy phải có traffic ổn, khán giả có phản ứng cao, tạo được một sức ảnh hưởng nhất định trong một cộng đồng nhất định. Mình sẽ cần thêm một bước là chủ động kiếm brand, agency có nhu cầu booking. Công thức kiếm job cho kênh tương tự công thức kiếm job cho mình thôi: gây ấn tượng với khách hàng và cho họ biết mình có cung cấp dịch vụ. Mình đã có một nguồn thu nhập kha khá ổn ổn từ booking, nhưng vì là dân sáng tạo nên mình vẫn tìm người quản lý khâu này giúp mình để tăng hiệu quả công việc. Và chắc chắn một điều là một bài booking trên một kênh có traffic tốt thì có thể có giá trị cực cực cao mà nếu chỉ đi nhận job viết ngoài mình không bao giờ dám mơ tới!! Này không dễ, nhưng không có gì dễ ăn, mọi người cố lên.

- Các cơ hội xuất bản: Đừng nói là chỉ có nhà văn mới xuất bản được nhó! Viết nhảm như mình cũng xuất bản được, có bạn xuất bản được sách tranh, thậm chí có nhiều bạn xuất bản được sách toàn câu chơi chữ, từ thơ, từ tranh … hoặc làm sổ, các ấn phẩm liên quan tới tên tuổi của mình. Khi bạn có cộng đồng, được cộng đồng tin tưởng và yêu quý thì tự dưng cộng đồng đó cũng muốn tiêu thụ những nội dung, sản phẩm từ bạn. Này mọi người hiểu đúng không?

- Ngoài ra các cơ hội từ mối quan hệ, từ kinh doanh thì mình sẽ không nói tới ở đây. Vì đơn giản là khi cậu đã đi tới đây rồi, thương hiệu cá nhân có rồi, thì cứ đi tiếp nó lại mở ra thêm nhiều cơ hội và không đường của ai giống nhau hết!

Mình có một quan điểm sau hơn 2 năm làm nghề đó là: “không cần chạy theo tiền, tiền phải chạy theo mình”. Vì vậy tới giờ thì mình thấy công cuộc làm nghề của mình vẫn khá chill, vẫn là làm cái gì mình thích và chỉ dành khoảng 30-40% thời gian làm việc để kiếm tiền, và kiếm tiền cũng từ công việc mình thích. Thời gian còn lại mình sẽ dành để đầu tư vào mình, vào chuyên môn, vào dự án cá nhân, vào để học thêm kĩ năng mới. Đầu tư vào mình thì không lỗ đi đâu được đúng hông?🌿🌿🌿

Không có nhận xét nào: