Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2018

[Review] Bắt trẻ đồng xanh - Sự cô độc của tuổi trẻ

“Tôi luôn nói “Gặp anh tôi vui lắm” với người tôi chẳng thấy vui vẻ gì khi gặp gỡ. Thế nhưng, nếu như bạn còn muốn sống, bạn phải nói mấy câu vớ vẩn như thế.”

Đọc lại Bắt trẻ đồng xanh, vẫn thấy cảm động, không biết bằng cách nào, một tác phẩm lạnh lùng đầy bất mãn như vậy lại có thể gợi lên những cảm xúc xót xa đến thế, mà nhiều khi tôi thấy ngôn từ  chẳng đủ diễn đạt những suy nghĩ của mình.
 
Tôi không biết tuổi trẻ của mọi người có những suy nghĩ hay cảm xúc như vậy không, có những bất mãn, lo sợ, và xúc động như thế không?

Ba lần đọc và viết lại, mỗi lần là một suy nghĩ, cảm xúc khác nhau. 

Gửi cho tuổi trẻ!


Người ta nói rằng vẻ đẹp càng sắc sảo, càng mặn mà càng lắm truân chuyên sóng gió, nhưng khi đã yêu sẽ càng yêu say đắm. Tình yêu với The catcher in the rye của J.D. Salinger của tôi cũng vậy, từ ghét bỏ không hiểu nổi đến khâm phục say mê, khiến chính tôi cũng bỡ ngỡ.

Bắt trẻ đồng xanh được xuất bản lần đầu tiên tại Mỹ, là tác phẩm đầu tiên của nhà văn J.D.Salinger. Cuốn sách được kể xuyên suốt bằng ngôi thứ nhất của nhân vật chính Holden Caufield về những tháng ngày của cậu chàng khi bị đuổi tại trường dự bị đại học danh giá Pencey, lang thang ở New York với những suy nghĩ, quyết định rất "tuổi trẻ". 

Quả thực bìa của cuốn sách là thứ lớn nhất đầu tiên khiến tôi mua nó, cực kì tối giản, không 1 lời bạt, không 1 lời tựa, không 1 lời giới thiệu tác giả. Nó chỉ đơn giản là xanh và trắng. Lần đầu đọc, không tin được là cuốn sách kinh điển, vì ngôn từ, nội dung... đến mức tôi phải tìm đọc tất cả bài phê bình có được, cuối cùng gói ghém sách cất vào tủ, suýt thì mang đi đổi luôn.

Vậy mà giờ đây, khi đọc lại, lần đầu tôi tốn nhiều ngày như vậy để đọc 1 cuốn sách mỏng thay vì bình thường thâu đêm đọc tới khi xong. Có lẽ vì nó nhiều triết lí và suy ngẫm đến vậy. Thậm chí giờ tôi tin rằng nó sẽ là cuốn tôi mang theo khi đi xa, như 1 biểu tượng về con người tuổi trẻ của tôi, về một phần nào đó của tuổi đôi mươi đã từng qua. 

Đối tượng mà Bắt trẻ đồng xanh hướng đến chủ yếu là người trẻ tuổi, vì trong sách có sử dụng rất nhiều ngôn từ tục tĩu và tâm lí bất mãn đối với xã hội của tuổi nổi loạn.

Tối thứ Bảy, cậu chàng của chúng ta rời khỏi trường để đến New York trọ trong một khách sạn. Suốt ngày Chủ Nhật cậu lang thang ở thành phố này và gặp một vài người. Tối Chủ Nhật cậu về nhà thăm em gái và đến thứ Hai, cậu dự tính sẽ bỏ đi thật xa...... Tất cả chỉ gói gọn trong hơn ba trăm trang truyện, điều đó mang đến cảm giác rất sống, rất chuyển động, rất áp lực, sự thúc bách của thời gian đang chạy. Độc giả cũng hồi hộp theo, trông đợi rốt cuộc cậu chàng sẽ làm gì tiếp theo, sẽ lựa chọn như thế nào.... 

Nhân vật chính của chúng ta, Holden Caufield mang trong đầu một lăng kính nhìn mọi vấn đề rất khác người của một cậu chàng thông minh nhưng quá nhạy cảm.

Dường như Holden Caufield chả thích gì, cậu ghét tất cả mọi thứ. Từ cái ngôi trường danh giá cho đến lũ người mà cậu ta cho rằng họ chỉ đang ra vẻ bộ tịch mà thôi.

“Tôi luôn nói “Gặp anh tôi vui lắm” với người tôi chẳng thấy vui vẻ gì khi gặp gỡ. Thế nhưng, nếu như bạn còn muốn sống, bạn phải nói mấy câu vớ vẩn như thế.”

Câu chuyện ta như tách biệt thế giới, khi nhìn đâu cũng thấy những thứ khách sáo bộ tịch, khi ta chán ghét và ghê tởm cách thế giới vận hành,... đó là khủng hoảng tuổi trẻ mà ai cũng sẽ trải qua, còn tôi có lẽ cũng chỉ mới đi qua nhưng vẫn loay hoay với con đường đi tìm giá trị của mìmh. 

Với những chán ghét, bất mãn về xã hội và cuộc sống, Holden Caufield cảm thấy vô cùng mệt mỏi.

Tất cả những gì cậu muốn làm chính là rũ bỏ hết tất cả mọi thứ và đi. Ra đi. Và đi thật xa. 

Cái sự bấp bênh ấy cũng nguy hiểm, như bất kỳ mối nguy nào người ta có thể gặp phải khi trưởng thành. Trong một gia đình không thể mang đến cho cậu đủ sự quan tâm và yêu thương, suýt chút nữa cái ước mơ khờ dại đã đẩy cậu đến con đường xa xôi ở một xó xỉnh nào đó, như những đứa trẻ cá biệt quăng mình vào những trận đánh, những trò mạo hiểm đen tối mà chẳng ai buồn quan tâm một mai khi nó không đến trường, không về nhà. 

Bỏ qua những nấc đo và bị ràng buộc bởi hàng tá quy định của trường học. Ta muốn đi để tìm kiếm mình, đi để biết mình là ai, đi để thấu hiểu bản thân mình!

Nhưng trong chúng ta, mấy ai có đủ can đảm như Holden Caufiled của Bắt trẻ đồng xanh.

Nhưng cũng chẳng có mấy ai, đi rồi sẽ trở về

Nhưng ẩn sâu trong đó, vẫn có những thứ nứu giữ ta

Đó là người thầy đó, là người anh, là người em, là bạn bè, là người ta yêu

Trong tuyệt cùng, ta vẫn tìm đến họ, nếu họ đủ nứu giữ, ta sẽ ở lại, còn nếu không, ta sẽ là người ra đi, mãi mãi, ở 1 bìa rừng nào đó, trong 1 chiếc xe tải nào đó, trên 1 cung đường nào đó. 

Holden cũng như chúng ta, có lẽ loay hoay trong mê loạn ý nghĩa cuộc đời đó không hồi kết, khi kết thúc tác phẩm vẫn là những lời tự bạch đâỳ rối rắm nhưng vẫn rất thản nhiên và tự tin làm chủ cuộc đời theo cách của cậu. 

Mình đã khóc, khi đọc đến đoạn em gái của Holden níu giữ cậu lại.

Người ta thường hay ví von, cuộc đời sẽ đạp ngã bạn, sẽ tát cho bạn một cú như trời giáng, và nếu bạn không đủ thích nghi, chỉ còn cách nhảy ra khỏi cửa sổ như một tên bạn vô danh nào đó. 

Ban đầu người ta có thể thấy ghét Caulfield, và không hiểu một đứa cá biệt lười biếng và có cái nhìn thiển cận, cũng như luôn chửi bới mọi thứ thì có gì đáng quan tâm?

Nhưng rồi, Calinger bóc tách dần con người Caulfield, không phải bằng những gì cậu nghĩ về mình, không phải bằng những gì người khác nghĩ về cậu, mà bằng hành động, bằng những sự kiện, bằng chính những suy tư và hồi ức cậu có đối chiếu với hiện tại cậu đang trải qua. 

Đó là một cậu bé thông minh, sâu sắc và nhạy cảm. Một tâm hồn biết yêu thương, nhưng không biết tự bảo vệ mình trước sự giả dối xung quanh. Càng đi cùng cậu, người ta lại càng yêu quí cậu, và thấy rằng, cái việc cậu hậm hực với mọi thứ chỉ là để bảo vệ cho cái tôi mong manh trong cậu. 
 
Có phải truyện bi quan quá không, nổi loạn quá không, cá biệt quá không, tôi nghĩ là có nhưng không phải là thứ xa lạ, vì nó chân thực và gần gũi đến dường vậy mà.

Một Holden Caufield bất cần đời, một lối suy nghĩ tưởng chừng như chỉ tồn tại trên sách vở nhưng đâu đó, ta vẫn nhìn thấy chính mình dưới hình ảnh cậu nhóc xốc nổi, hay chửi thề và dễ mau nước mắt. Holden Caufield là một tâm hồn tự do, phóng khoáng của chính những người trẻ. Cậu là một lời tuyên ngôn rất mực đanh thép đối với những quy luật gò bó của xã hội hiện nay, rằng những nguyên tắc ấy dù có ngăn cản ta đến mực nào thì tâm hồn ta vẫn tự do, vẫn sống.

Bắt trẻ đồng xanh xoáy sâu vào thực trạng của sự trưởng thành. Một xã hội giả tạo, ai cũng giả tạo và nếu bạn muốn tồn tại trong xã hội ấy, bạn cũng phải ra vẻ giả tạo.

Và khi mọi người đều ngầm chấp nhận cái quy luật của sự trưởng thành ấy, tự dưng có một thằng nhóc nổi loạn hiếu thắng hoặc lạc lõng bơ vơ phản đối điều đó. 

Và thường thì chỉ có thằng nhóc nào đủ thông minh mới tự vấn, đủ cảm xúc mới đau đớn, và đủ chính kiến để tự tách biệt thì mới gặp quá nhiều khó khăn đến vậy. 

Người ta thấy đồng cảm với Caulfield bởi cả sự đáng yêu trẻ con của cậu, như ước mơ khá buồn cười được làm một kẻ “câm điếc” trong một thế giới giả dối và bộ tịch. Nhưng rồi lại giật mình tự vấn xem bản thân mình đã thỏa hiệp với thế giới ấy đến đâu rồi. Và nhận ra, cái ước mơ buồn cười ấy sao mà đáng quí, sao mà trong trẻo và đầy ánh sáng. Cũng như bản chất của Caulfield, một chàng trai tốt đến mức chưa được quan hệ tình dục vì cứ dừng khi tụi con gái bảo cậu dừng, và không thể qua đêm với cô gái điếm chỉ vì cô ta không thích nói chuyện và coi trọng chuyện ấy như cậu. Những điều ấy sao mà dễ thương, đến mức những lời lẽ chán đời u ám của cậu cũng không che lấp được.

Có 1 điều tôi đã phân vân, về nhan đề truyện. 

Ước mơ của Holden, tôi cảm thấy đồng cảm, cũng như Michelle trong into the wild, liệu đó có phải cách nói cụ thể cho 1 ước muốn trừu tượng giản dị. Nơi bìa rừng hoặc trong rừng, nơi không có bộ tịch, nơi ta là chính ta, không phải gượng ép hay bắt buộc ta phải là ai khác ta. 

Ta là người đơn giản nhất, là người canh gác, che chở, bảo vệ những thiên thần ngây thơ, không lừa dối, không lừa lọc và vô tư đến dũng cảm. 

Ta vui vẻ và thoải mái nô đùa, làm những gì ta thích.....

“Anh muốn được làm người canh giữ lũ trẻ trên cánh đồng lúa mạch. Anh biết, Phoebe ạ, đó là mơ tưởng điên khùng, ngu xuẩn nhưng thực sự anh muốn thế.”

Ở đó, cậu mới có thể được sống là chính mình mà không phải phụ thuộc vào bất kì ai. Cậu sẽ bảo vệ cho những đứa nhỏ vui đùa khúc khích, và cùng bắt trẻ đồng xanh.

Bản thân tôi nghĩ rằng chỉ 1 nhan đề ấy thôi cũng đủ là 1 tuyên ngôn, 1 sự cá biệt, táo bạo thách thức lại mặt kia thế giới. Nơi người ta muốn là bác sĩ, kĩ sư, là sự vĩ đại, là đánh bom vì chúa đi nữa, tôi vẫn là tôi, là đứa trẻ lớn nhất trong những đứa trẻ bé, "em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh".

Và 1 chủ đề suýt nữa tôi đã quên trong tác phẩm: trưởng thành. Điều này đã được nói tới khá nhiều. Chỉ 1 cảm nhận, đừng để sự thất vọng dẫn lối bạn, hãy chuyển sự thất vọng ấy thành mục đích cho 1 trận đấu/ trò chơi.

“Dấu hiệu của người chưa trưởng thành là, họ muốn chết một cách cao thượng vì một sự nghiệp, trong khi dấu hiệu của người trưởng thành là, họ muốn sống một cách khiêm nhường vì một sự nghiệp.”

Holden đã  chọn ở lại.

Bắt trẻ đồng xanh như một đoá hoa nở rực rỡ của tuổi trẻ mà mỗi người chúng ta cần đọc để chiêm ngưỡng lấy một lần. Để nhận ra những giá trị cần thiết mà mình đã bỏ quên giữa bộn bề tấp nập.

Để biết mình cần gì cho cuộc đời trở nên ý nghĩa. 

Sau lớp vỏ xù xì, thì Bắt trẻ đồng xanh là một tiểu thuyết trưởng thành xúc động. Cuốn tiểu thuyết duy nhất trong sự nghiệp của Salinger, bắt lấy được hoàn toàn cái nỗi sợ hãi mơ hồ và cô độc khi lớn lên. 

Ấy là khi Caulfield bật khóc trong vòng tay của Phoebe, sau một điệu vũ lúc nửa đêm với cô bé. Cái sự vỡ òa ấy sao mà thật quá, mà nghẹn lên đến tận cổ. 

Cái thật cũng là, người ta ở tuổi ấy chưa thể nghe theo được những lời khuyên đúng đắn nhưng xa lạ của những người đi trước, dù là những người người ta yêu mến đi nữa. Như ông giáo già đã nói với Caulfield những lời thông thái mà cậu chưa thể hiểu, và chưa thể nghe theo. 

Điều người ta cần ở cái tuổi ấy, là một sự quan tâm và tình yêu chân thành. Cái mà những cô gái không thể mang đến, như Sally, khi Caulfield trong một phút khao khát đã mở lòng với cô. Và chỉ có thể là một đứa trẻ vì sợ mất anh trai mà xách theo cả chiếc vali nặng trịch, và xin đi theo anh dù chẳng biết đi đâu về đâu. 

Đó là sự ngây thơ ấm áp có thể lấp đi lỗ hỗng trong lòng Caulfield gây ra bởi sự mất mát xưa kia, có thể giúp cậu bình tâm mà nghĩ lại, mà chọn lựa lại, có thể vượt qua cái điểm mấu chốt chông chênh giữa một người lớn và một đứa trẻ mà không bị chệch hướng. 

Bởi kiến thức, bởi kinh nghiệm, bởi tất cả vốn sống có thể bù đắp lại sau, như lời ông giáo, còn cái lỗ hỗng ấy thì chỉ có thể là một khoảnh khắc thôi. Ấy là khi cậu ngắm Phoebe trên con ngựa gỗ trong buổi chiều mưa.

Và Holden đã  chọn ở lại!

Không có nhận xét nào: