Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

Good Will Hunting - Cái giá để làm người tốt

Hội chứng người tốt, sống vì kì vọng của bản thân và kì vọng của người khác, dễ chịu hay đau khổ?

Bộ phim “Good Will Hunting” được đề cử dành cho các sinh viên học tâm lý và những người trẻ, những người đang đứng giữa ranh giới lựa chọn giữa thành công sự nghiệp hay tình cảm, những người đang băn khoăn không biết giá trị bản thân là gì, ý nghĩa cuộc đời là gì.

Chính kịch (1997)

Chủ đề: Tâm lý học xã hội và tâm lý học phát triển, điều trị, năng khiếu.

Diễn viên: Ben Affleck, Matt Damon, Robin Williams, Minnie Driver




Đối với tôi, cái tên bộ phim cũng rất đặc biệt, từng chữ một. Hunting gợi đến hình ảnh của chiến đấu, nghị lực, tinh thần. Will gợi đến tương lai, hi vọng. Good gợi đến điều tốt đẹp, thuộc về bản chất. 

Tôi thực sự liệt kê Good Will Hunting vào một trong những bộ phim làm thay đổi cuộc đời một cá nhân vậy, tôi sẽ nói về phim dưới góc nhìn tâm lý nhiều hơn. 

Nếu bạn cũng như tôi, đều là những người trẻ, không phải thiên tài, cũng bình thường, cũng đau khổ, cũng vui vẻ, cũng bạn bè, cũng khát khao tình yêu và hạnh phúc,..... bạn sẽ gặp tất cả hình ảnh đó trong bộ phim này. 

Nhưng nếu bạn yêu sự sôi động, gay cấn, những thước phim quay nhanh, những khung hình sắc gọn, bạn sẽ thấy lê thê ngày dài bình yên trong Boston với sắc vàng của lá mùa thu, có thể nhàm chán với thư viện, trường học, những khu nhà cũ kĩ.... Nhưng tôi yêu cái bình dị nhẹ nhàng nơi đó, hẳn cũng nhiều người chúng ta chỉ muốn tìm một chốn bình yên như vậy. 

Bộ phim kể về Will Hunting-1 cậu nhóc 20 tuổi, không phải người bình thường cho lắm mà lại một thiên tài đường phố đầy bi kịch khác người. Là trẻ mồ côi, Will tự học trong thư viện, sống cùng với cha dượng khi nhỏ và bị ngược đãi, lạm dụng, quá khứ chìm trong nỗi đau đớn, sự sợ hãi, tổn thương.....

Và rồi trưởng thành, cậu làm bạn với một đám thanh niên không có tương lai, suốt ngày chỉ biết  tồn tại một cách dửng dưng, không quan tâm, không ước mơ, không hi vọng, cậu chàng vật vờ với công việc quét dọn tại trường MIT, làm phụ hồ, vào quán bar rồi quậy phá và phạm tội. 

Cậu cố tạo cho mình bề ngoài ngầu, siêu cool ngầu, đầy gai góc, ngang tàn, quậy phá, trả thù thằng bạn hồi tiểu học để rồi phải vào tù. Cậu, nếu không có căn nhà cũ kĩ của gara, không có hội bạn tay chân ở bên, cậu sẽ là một kẻ không có gì cả, không tương lai, không hi vọng, không hạnh phúc.....

Tiếng cười duy nhất, cảm giác ấm áp duy nhất trong quãng đời của Will chỉ có khi xuất hiện những người bạn đó, tôi đã được an ủi khi nhìn thấy Will ít nhất, còn có một hội bạn, một chiếc xe cũ kĩ, cùng nhau đến bar, cùng bảo vệ nhau, cùng hội đồng một thằng mất dạy. Sẽ đau đớn biết bao, nếu Will không có một tí gì cả, cậu sẽ tồn tại thế nào, khi không có ai ở bên là động lực cho cậu?  

Chủ đề về sự CÔ ĐƠN của tuổi trẻ được thể hiện rất rõ trong bộ phim, nếu căn nhà của bạn chẳng có ai ở đó chờ đợi bạn về, chẳng có ai nhớ thương gọi điện hỏi thăm bạn, thì bạn sống có trách nhiệm với ai đây? Nếu những người bạn của bạn không còn ở bên bạn, không còn chung đường, không còn chấp nhận nhau, thì bạn cười với ai, cãi nhau với ai, nói chuyện với ai? 


Nếu một ngày, bạn hiểu, bạn đã trưởng thành, bạn phải rời đi, ra khỏi thành phố nhỏ bé này, làm chủ chiếc xế đầu tiên của bản thân, làm chủ lựa chọn, công việc đầu tiên.....bạn có đủ DŨNG CẢm để ra đi, bỏ lại mọi thứ, để BẮT ĐẦU LẠI, với không gì cả? Và thậm chí, khi bạn đã gìa, bạn lại càng cô đơn hơn nữa! Như Lambeau, chỉ có công việc, cả đời thúc đẩy chính mình vì công việc, không gì khác cả, như Sean, mất đi tình yêu tri kỉ, ông còn lại là gì, không gì cả ngoài công việc, không động lực, không tình yêu, không gì cả..... Sean, Lambeau, Will,... tất cả họ,  SỐNG VÌ ĐIỀU GÌ? 

Nếu chỉ dừng ở một câu chuyện không lối thoát, đau khổ không cách giải quyết thì chúng ta cũng chẳng ai có hứng thú xem phim cả, phải không nhỉ. 

Chúng ta cần một mootip vượt qua khó khăn, trở thành anh hùng của đời mình để giải quyết tất cả, như mọi câu chuyện khác. 

Và tài năng chính là thứ đưa đẩy Will đến với giáo sư Lambeau. 

Khi Will chỉ là 1 người làm thuê quét dọn tại trường đại học mà giáo sư đang giảng dạy, vì tò mò đã trăn trở tìm mọi cách để chứng minh một định lý giáo sư giao cho sinh viên. Và Will làm được, một cách dễ dàng trong khi nhân loại bình thường thì chịu chết, kiểu người bình thường chỉ lo qua môn rồi học vẹt, rồi quên bài, rồi ham chơi ấy,... hãy tưởng tượng tới thành phần số ít nào: học bá của trường.

Nhận thấy mình đã tìm được 1 tài năng hiếm thấy, giáo sư đã tỏ ý muốn được là người dẫn dắt Will. Đứng trước nguy cơ ngồi tù, lãng phí thời gian không gì cả, không còn sự lựa chọn nào tốt hơn, Will đã đồng ý để giáo sư bảo lãnh với điều kiện sẽ tham  theo con đường nghiên cứu toán học, và đến gặp bác sĩ tâm lý để điều trị. 

Will chỉ đơn giản như đang chết đuối, có phao thì vớ lấy.

Nếu như cho nhân vậy Will vượt qua thử thách cuộc đời bằng một cơ hội đơn giản đến bất ngờ, dễ dàng đến vậy, thì câu chuyện cũng sẽ không thú vị như thế!

Chàng trai vớ ngay lấy cái phao, lên bờ khô ráo và không bao giờ muốn nhảy xuống nước hiểm nguy nữa, đó chưa phải người anh hùng chúng ta cần. Nếu cuộc đời Will đã quá rõ ràng, với sự nâng đỡ của giáo sư, Will sẽ đổi đời trang 1 trang mới, trở thành 1 nhà toán học lỗi lạc nào đấy, thì Will cũng sẽ như bao người khác mà thôi, và việc cậu trăn trở hay suy nghĩ gì nữa, chẳng còn cần thiết. 

Và trở ngại tiếp tục, Will chống đối các nhà tâm lý, từ ông phân tâm dở hơi muốn moi móc quá khứ, ông thôi miên người ta để thăm dò cuộc đời họ, ông hành vi muốn thay đổi người khác như một con rối...... 

Will chống đối cả mong muốn của giáo sư Lambeau, biến cậu phải trở thành một người thành công, lỗi lạc nào đó, khi bản thân cậu còn chưa sẵn sàng và không mong muốn điều đó. 

Will thừa khả năng, cậu coi khinh tất cả, cậu ngạo mạn với cả chính người ném phao cho cậu là Lambeau, cậu tự tin khi xoay hết nhà tâm lý này đến nhà tâm lý khác, hết hội đồng tuyển dụng này đến nhà chức trách kia. 

Và rồi, người trợ giúp cậu thực sự đến. 

Tôi nhớ mãi cảnh Sean trò chuyện cùng Will khi 2 người gặp nhau lần thứ 2 ở công viên, sau khi Will sỉ nhục Sean về mối tình của ông "Có phải bà ấy có người khác?", "Có phải bà ấy không yêu ông?".....

Hôm đó Sean ngồi lặng lẽ bên hồ, ngắm đàn thiên nga, và khi Will bước đến, ông bắt đầu nói, ánh mắt đẫm lệ đầy đau khổ tiếc nuối, nhưng không phải nói về cuộc đời ông, mà là dành cho Will, cho những điều cậu đang bỏ lỡ, cho những nuối tiếc cậu sẽ mãi không biết đến, cho những dại khờ cậu đang phô bày ra để bảo vệ cậu bé yếu đuối bên trong. 

Diễn xuất Robin Williams đặc biệt xuất sắc, tôi có thể cảm nhận được nỗi đau ấy, sự tiếc nuối ấy mà ông dành cho Will, và Matt Damon đã diễn trọn vẹn cái nhìn ngạc nhiên, sửng sốt đầy bỡ ngỡ khi nhận ra mình đang mất đi điều gì, cả sự ngại ngùng, băn khoăn đầy suy nghĩ, đó là cảnh đẹp nhất, nhân văn nhất mà tôi nhớ mãi.

Suốt bộ phim, điểm đặc biệt nhất chính là sự biến đổi trong tâm lý của Will. Từ 1 con người gai góc, hoàn toàn chống đối bất kì bác sĩ tâm lý nào khi gặp, đã thay đổi khi Will gặp giáo sư Sean. 

Sean dành cho Will sự quan tâm, suy nghĩ, trăn trở như một người cha lo cho cậu bé, ông thậm chí dành tình yêu vô điều kiện cho Will, nhưng cũng đầy nghiêm khắc chỉ ra cho cậu biết, cậu là cậu bé nhỏ mọn đến thế nào, cậu đã làm tổn thương người khác ra sao, và cậu đang thiếu sót điều gì. 

Ông cho Will thời gian, cho Will được chủ động, cho Will là chính mình, được lựa chọn với điều mình muốn. Will dần dần bắt đầu hạ những tấm chắn, biên kịch đã rất thành công, miêu tả một quá trình thực sự để thiết lập mối quan hệ và mở lòng, nó không đến kiểu đột ngột bất ngờ, mà rất từ từ, tự nhiên, để Will  thành thật với giáo sư Sean, thành thật với chính bản thân. 

Cũng có thể nói, đây không phải sự thay đổi của Will mà là sự bộc lộ. 

Mà ẩn sâu sau vẻ ngoài gai góc ấy nó sợ những gì của chính nó. 

Một bộ óc của thiên tài nhưng cũng chỉ là một đứa trẻ, một đứa trẻ với rất nhiều sợ sệt. 

Sợ phải đối diện với quá khứ lẫn tương lai. 

Ngay cả khi Will gặp Skylar. 2 người đều yêu nhau, ngay từ những phút đầu gặp. Nhưng Will luôn sợ, khi 2 người càng gặp gỡ, Will càng nhận ra cô gái này quá hoàn hảo cho mình. Rằng một ngày Skylar sẽ biết Will chỉ là 1 kẻ lông bông không có tương lai, một đứa trẻ mồ côi, cũng không có 12 anh trai như đã nói dối, và Skylar sẽ không còn yêu Will nữa. Dù cho Skylar có bao lần, nói yêu Will và không quan tâm những điều khác. Skylar yêu Will vì chính con người Will. 

Nhưng Will  LẠI KHÔNG YÊU CHÍNH BẢN THÂN MÌNH! 

 Will sợ tất cả những gì thuộc về mình. Về bản chất Will vẫn là 1 “good guy” giống như chính tiêu đề bộ phim vậy. 

Tôi nhớ mãi, cảnh Skylar đợi Will ở sân bay, cảnh Will gọi cho Skylar, tôi đã tự hỏi Will có chạy đến bên cô ấy, níu kéo cô ấy, hay đi cùng cô ấy không? Một lần nữa, biên kịch lại tuyệt vời trong diễn biến tâm lý của nhân vật, khi để cho Will không làm vậy, không lãng mạn, không hành động trái tâm lý. 

Cậu CHƯA SẴN SÀNG. Khi cậu còn CHƯA YÊU ĐƯỢC BẢN THÂN MÌNH, làm sao cậu có thể chạy đi YÊU NGƯỜI KHÁC, khi vấn đề không được giải quyết từ gốc rễ, làm sao Will có thể giả vờ, bỏ mặc nó, chôn giấu nó và sống trái đi, khoác lên một tấm áo khác rộng thùng thình, và rồi lại đau khổ?


Will là chàng trai rất hiểu bản thân và ở mặt nào đó, cậu cũng rất dũng cảm sống đúng với chính bản thân. 

Tôi đã khóc khi mà cuối cùng, nút thắt được tháo gỡ, nỗi đau được hóa giải, mọi thứ được thay đổi thực sự. 

Đó là khi Will được yêu thực sự, một TÌNH YÊU KHÔNG ĐIỀU KIỆN. 

Đó là khi Sean không ngừng nói với Will: "Đó không phải lỗi của cậu". 


Mỗi lần Sean nói, Will lại cười nhếch mép nói "tôi biết", "tôi biết chứ", nhưng Sean cứ lặp lại, kiên nhẫn, thật sự, thật tâm, chân thành. 

Tôi đã không ngừng được nước mắt khi nghĩ về câu nói đó hôm nay, nó thực sự chạm đến trái tim tôi. 

ĐÓ KHÔNG PHẢI LỖI CỦA CẬU. 


Những thứ trong quá khứ, hãy ngừng đổ lổi cho bản thân, và khiến tương lai bị ảnh hưởng vì nó. 

Sẽ không phải ai cũng bị ảnh hưởng bởi câu nói này, nhưng khi vấn đề thực sự nằm ở đó, và nó được nhắm trúng điểm, mọi thứ như vỡ òa ra. 

Tôi khóc cùng Will, Sean, vì tôi cũng như họ, tôi cũng tự hỏi mình đã đủ tốt chưa, mình có thể làm hơn thế không, mình phải làm gì, mình đáng ra phải làm gì, đó là trách nhiệm của mình, đó là nghĩa vụ của mình...... Tôi cũng mỏng manh như Will khi đó, dù trưởng thành và mạnh mẽ đến đâu, thẳm sâu trong đó vẫn là một đứa trẻ yếu đuối. 

Và lúc đó, tôi đã ước, giá như có một ai đó, ôm tôi và nói với tôi "Đó không phải lỗi của cậu", giá mà tôi cũng có may mắn gặp một Sean như vậy. 

Khoảnh khắc Will có thể ôm Sean khóc như một đứa trẻ, tôi đã cả thở phào nhẹ nhõm, cậu trưởng thành rồi, cậu vượt qua rồi, cậu sẽ hạnh phúc, dù sau này cậu lựa chọn điều gì.

Vì vậy, khi đến cuối, việc Will lựa chọn điều gì, công việc hay đi tìm gặp tình yêu, tôi đều thấy vui cho cậu, thực lòng tin rằng cậu sẽ hạnh phúc. 

Vì cậu cũng mạnh mẽ y hệt như Sean, Sean đã bỏ qua trận bóng chày lịch sử năm ấy và ngồi lại cùng với cô gái của cuộc đời mình dẫu mới gặp 10s trước đó. Và ông ấy chưa bao giờ hối hận quyết định của chính mình cả! Sean cũng không hối hận khi vì vợ mà không thể nghiên cứu, không có giải thưởng, không có ghi nhận! Chính Lambeau thừa nhận Sean thông minh hơn ông, chính Lambeau cũng thừa nhận Sean từng có thể có Field, nhưng ông đã không làm, ông đã không hối hận về quyết định của mình. 

Chọn sống như Sean hay Lambeau? 

TÌNH YÊU HAY SỰ NGHIỆP? 

VĨ ĐẠI HAY BÌNH THƯỜNG?

Vì chẳng mấy khi, điều đó song hành cùng nhau.  

Hình ảnh hai người, và Will khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. 

Bởi lẽ đôi lúc tôi cũng giống như giáo sư Lambeau.

Lambeau ám ảnh bởi sự thành công, ám ảnh bởi vinh quang trong nghiên cứu. 

Tôi bị ám ảnh bởi việc mình chưa đủ tốt,  và lúc nào cũng ép bản thân PHẢI LÀM, DÙ KHÔNG THÍCH. 

Như cách mà Lambeau nói về chính mình: "I am what I am today because I was pushed and because I learned to push myself." - "Tôi là những gì tôi ngày hôm nay bởi vì tôi đã tự thúc đẩy mình và bởi vì tôi đã học cách thúc đẩy bản thân mình".  

Và khi không thành công, tôi sẽ tự hỏi, mình cố gắng đủ chưa, mình đã lười biếng à, mình có đang làm hết sức không, nếu không, đó hẳn là thất bại của đời mình rồi. 

Và có nhiều thứ, còn hơn cả một đống kiến thức cố nhét vào đầu, như Sean đã nói với Will bên bờ sông có đàn thiên nga ở Boston,  đại ý rằng những điều cậu đọc được trong sách, những điều cậu thấy, cậu biết, cậu hiểu, đó là kiến thức, như cậu biết nơi kia rất đẹp, nhưng cậu không có được cái trầm trồ thán phục cảnh đẹp đó. 

Đó là sự khác nhau giữa kiến thức và sự thông thái. 

Tài năng có thể ở bất cứ đâu. Bạn có thể có được kiến thức bằng cách đọc rất nhiều sách và sở hữu một bộ óc của thiên tài; nhưng bạn không có được sự thông thái nếu không thực sự cảm nhận. 

Đúng vậy, giá trị của việc TRẢI NGHIỆM.


Là sự thực, là cảm xúc, là cảm giác, mà chỉ ta mới có được, không ai làm thay được. 

Vì vậy nên, nếu tương lai đã dành cho tôi một con đường đặc biệt, tôi sẽ không ngần ngại bước đi. 

Mẹ tôi từng nói nhiều lần về những kế hoạch dự định của tôi, và một người em tôi, đã nói về những ước mơ, tại sao họ không làm thế này, tại sao họ lại lựa chọn khác đi..... Nhưng, tôi vẫn nghĩ, đến 80 tuổi, họ vẫn có ước mơ, vẫn sống cho một điều gì đó, điều đó chẳng sai? Dù cho trong cuộc sống, đôi khi ta lạc đường, đôi khi ta quẩn quanh, nhưng như chú bé chăn cừu trong Nhà giả kim, ta biết bước đi, biết từ bỏ, biết chấp nhận và dám thay đổi, khi ta vẫn còn sống, vẫn còn ước mơ, điều đó chẳng phải rất con người, rất tuyệt vời sao? 

Và những dự định ít nhất một lần trong đời tôi phải làm như học vẽ, đi bơi, tập võ..... dù tôi chỉ thử và không theo đuổi, điều đó càng chẳng sai. Người lớn luôn nhìn nó như một sự vô bổ không xứng đáng, sự phí phạm, như chú tôi hay kêu ca với em tôi. 

Nhưng tôi không cho là vậy, con người thay đổi, có những ước mơ còn mãi, có những ƯỚC MƠ BIẾN MẤT, nhưng quan trọng, là sống trong giây phút đó, SỐNG CHO ƯỚC MƠ HIỆN TẠI, không THỬ làm sao biết được? 


Vì vậy, nếu có lựa chọn lại bất cứ phút giây nào trong cuộc đời, tôi vẫn nghĩ, mình sẽ chỉ làm thế với cách nghĩ khi đó, vì tôi lúc đó muốn điều đó, chứ không phải, vì tôi lúc này muốn điều khác. 

Đó là điều của tôi khi ấy mong muốn mà!

Vậy, nếu bạn đã hiểu, rằng cuộc sống cần trải nghiệm, cần thử, câu hỏi tiếp theo bạn sẽ đặt ra là thế MÌNH MUỐN GÌ? 

Điều đặc biệt ấn tượng với tôi là khi Sean liên tục hỏi Will: “What do you wanna do?” được lặp đi lặp lại, như sự ẩn dụ của bộ phim dành cho người xem, đó chính là câu hỏi dành cho người xem. Đoạn cãi nhau của Sean và Lambeau và chính câu hỏi : 

“What do you wanna do?” khiến tôi luôn bần thần sau bộ phim, rốt cuộc, điều gì là điều tôi thực sự muốn làm? 

Đúng vậy, đừng bao giờ ngừng tự vấn mình câu hỏi ấy cho đến khi trái tim thực sự cho bạn 1 câu trả lời.


Có thể, việc tìm kiếm hạnh phúc giống như hành trình bay của chú chim vậy, hành trình ấy chẳng bao giờ có điểm kết thúc, ta sẽ mãi bay, từ điểm này đến điểm kia, và chỉ dừng lại khi đôi cánh không còn đập được nữa - cũng là khi cái chết đã đến. 

Đích đến cuối cùng trong cuộc đời mỗi người, cũng chính là được hạnh phúc. Nếu đã biết mình muốn điều gì, mình hợp với điều gì, thì chỉ đơn giản là cần sống như mình là, sống đúng với mình vậy. 

Tại sao phải mặc áo sơ mi khi bạn thích áo phông.
Tại sao phải mặc váy khi bạn thích quần jean.
Tại sao phải giả tạo, khi bạn không thích điều đó?
Tại sao phải là ai đó, khi bản thân bạn đã là một người rồi?

À, kết lại, tôi có đọc được một cảm nhận là " Câu chuyện của Will chẳng nên là biểu tượng của cái gì quá xa xôi, đâu phải ai cũng có IQ cỡ đó........ Với tui, Good Will Hunting chỉ là một câu chuyện cảm động về một thanh niên vượt qua hoàn cảnh để đi tìm con đường của mình. Nó chỉ mang mô-típ sáo mòn thế thôi. Bảo mình dốt thì mình chịu." 

Thực tình, nếu bạn mong đợi quá nhiều thứ biểu tượng hay vĩ mô, kịch tính, thì chắc chắn bạn sẽ thất vọng đó. Bộ phim là cuộc chiến cá nhân, cuộc chiến nội tâm, cuộc chiến vượt lên vấn đề tâm lý của bản thân, của hoàn cảnh, và là con đường tìm kiếm chính mình của tuổi trẻ. Chỉ thế mà thôi :) 

Chúc mọi người xem phim vui vẻ nhé 



#reviewphim

#goodwillhunting

#psychology
---------------------------------------------------------------------------------

“Some people can’t believe in themselves until someone else believes in them first.”



Đôi khi chúng ta không có niềm tin vào bản thân mình cho đến khi một ai khác đặt niềm tin vào chúng ta trước.



Trích Good Will Hunting (Chàng Will tốt bụng)

---------------------------


7 nhận xét:

Onizuka nói...

Bài viết rất hay , thật trùng hợp khi mình lại xem bộ phim và đọc được bài viết này khi mà mình cũng đang có rất nhiều câu hỏi tương tự cho bản thân, cảm ơn!

Mèo lang thang ngày mưa nói...

Mình cũng cảm ơn Omizuka, chúc chúng ta ít nhất thấy hạnh phúc trên con đường tìm kiếm đó ^^

Cơ nói...

Cảm ơn ad bài viết quá hay. Mình đã xem hết phim nhưng lại không hiểu rõ diễn biến tâm lý Nhân vật. Nhờ bài viết của bạn mà mình đã cảm nhận được nó. Cảm ơn nhiều

Mèo lang thang ngày mưa nói...

Mình cũng giống bạn lắm, xem xong phim nào là mình đi tìm bài bình luận/ phê bình phim đó, đa phần là vì bao nhiêu phim xem xong thấy hẫng không hiểu được, từ logic câu chuyện đến diễn biến tâm lý, nhiều khi chẳng hiểu người ta muốn gửi gắm điều gì :))) còn thứ 2 là xem xong thấy chưa đã chưa ngấm muốn nghĩ thêm, muốn hòa mình vào câu chuyện đó :v

Lô Lô nói...

Bài phân tích của bạn hay đấy Mèo. Xem xong phim nào về tâm lý là mình search ngay "review phim abc". Vì như nhiều người, đôi khi mình chưa đủ trải nghiệm để hiểu được ý nghĩa bộ phim muốn truyền đạt. Đọc nhiều review, tham khảo nhiều quan điểm, nhiều khía cạnh thì bản thân mình mới lên đô đc hehe

Mèo lang thang ngày mưa nói...

Cảm ơn Lô Lô, nghe tên bạn đã thấy thân thương rồi :) chết thật, sao giờ, mình thấy như thích bạn mất rồi :v người hiểu nhau ạ :3

Ngọc Thảo nói...

Cảm ơn vì review của bạn, kiểu bao nhiêu nỗi lòng được nói hết ra vậy. Mình cũng có nhiều cảm xúc nhưng để có thể viết ra như vậy thì không được, thật tốt khi mà thấy có người cùng chung cảm nhận của mình.