Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

[Cảm nhận phim] The Preparation - Ngày không còn mẹ

https://meolangthangngaymua.blogspot.com/2018/01/the-preparation-ngay-khong-con-me.html 


“Ngày không còn mẹ”– lời khích lệ đến những người cha, người mẹ.


Có rất nhiều khán giả cũng như nhà bình luận nói về bộ phim “Ngày không còn mẹ” như là 1 câu chuyện đẫm nước mắt, 1 câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng… Có nhiều người lại thấy đây là 1 câu chuyện chỉ có trong phim, một câu chuyện “ít đời”, “ít thật”. Tôi đã thấy có những bàn tay khẽ lau giọt nước mắt, có những tiếng sụt sịt nức nở không kiềm chế được, nhưng cũng có những cái day trán, chau mày, lắc đầu,… và những bước chân bỏ về. Nhưng tôi tin rằng, đây là 1 bộ phim bạn nên xem để trải nghiệm, để đồng cảm, để thấu hiểu, với những gia đình có những cô bé, cậu bé “khác biệt”, để không còn những lời khinh bỉ, chế giễu, kì thị… đang ngập tràn trong cuộc sống vội vã, bận rộn này, khi con người chúng ta hiện nay không muốn dành thời gian quý báu của mình để quan tâm hay bao dung đối với những nhóm người khác biệt với số đông. Đặc biệt đối với những gia đình có trẻ đang gặp khó khăn trong phát triển, trong cuộc sống sinh hoạt bình thường, với kinh nghiệm là một nhà tâm lý có trợ giúp với trẻ đặc biệt, trẻ tự kỉ, trẻ chậm phát triển, tôi tin rằng đây là 1 bộ phim rất đáng xem đối với gia đình mỗi người. Vì vậy, tôi mong muốn giới thiệu bộ phim này đến với mọi người.

Thể loại: Tâm lý, gia đình

Quốc gia: Hàn Quốc

Đạo diễn: Cho Young-jun

Diễn viên chính: Ko Du-shim, Kim Sung-kyun, Yoo-sun



Bộ phim The Preparation - Ngày không còn mẹ xoay quanh gia đình nhỏ gồm bà mẹ Ae-soon (Ko Du-shim) và cậu con trai mắc bệnh thiểu năng tên là In-gyu (Kim Sung-kyun).

Dù đã gần 30 tuổi, In-gyu vẫn chỉ giống như đứa trẻ, lúc nào cũng phải đi theo mẹ mọi lúc mọi nơi. Người mẹ yêu thương, chăm sóc In-gyu hết mực, cậu chỉ việc đi theo mẹ, vui chơi và đòi ăn khi đói. Một ngày nọ, bà Ae-soon phát hiện ra mình bị u não giai đoạn cuối và không còn sống được bao lâu, con gái cả Moon-kyung (Yoo-sun) thì nhất quyết chối bỏ đứa em để có 1 cuộc sống giàu có hơn, và thậm chí cô muốn bà Ae-soon chia sẻ số tiền tiết kiệm ít ỏi mà người mẹ đang định dành cho con trai vì công việc kinh doanh thất bại. Bà Ae-soon quyết định dành nốt những ngày cuối đời để dạy cho đứa con trai cách sống tự lập khi mình chuẩn bị ra đi.

Câu chuyện bình dị với nhiều mặt muôn màu.

Cậu con trai dù lớn nhưng tâm hồn và suy nghĩ vẫn chỉ là đứa trẻ nhỏ, cậu chỉ biết đến mình, gọi mẹ chỉ vì cậu đói và muốn mẹ nấu ăn, tranh ăn cả phần thức ăn của mẹ, khi không được như ý, cậy giẫy đạp ăn vạ bằng được, cậu lấy cắp tiền của cháu gái để đi mua bánh cho riêng mình ăn, đánh người khác chỉ vì họ nói xấu hoặc chỉ chỏ cười cợt cậu…. Bất cứ một người mẹ, người cha nào cũng có thể nóng giận với việc con cái của mình không ngoan ngoãn như vậy, có thể giận giữ vì đứa con không được như kì vọng, có thể xấu hổ vì những khi cậu hành xử ăn vạ nơi công cộng, đánh cả người khác…. Một đứa trẻ khiến ta phải lo lắng nhiều hơn là cười vui tự hào.

Tuy vậy, nếu nhìn kĩ hơn, ta sẽ thấy những điều đáng trân trọng ở In-gyu, thay vì cái nhìn ái ngại hay khó chịu với cậu. In-gyu vui vẻ hát khi sợ mẹ mệt, đánh lại anh rể vì chị gái bị bắt nạt, cầu nguyện cho mẹ khi mẹ bệnh, tự làm đau mình để được gặp mẹ, cậu vẫn nhớ ngày sinh của từng thành viên trong gia đình, nhớ cả ngày cưới của chị gái dù chị không cho cậu đến tham dự vì cậu biết không được sống cùng chị mình nữa. In-gyu cũng biết yêu, yêu một cách vô điều kiện, dù không được người con gái ấy yêu lại, chỉ được làm “bạn” thôi cũng đủ khiến cậu hạnh phúc, cậu cũng thích được gặp gỡ những người bạn trong tiệm bánh và luôn nở nụ cười rạng rỡ khi được làm việc.

Giữa cuộc sống quá vội vã ngày nay, khi mà ai cũng xô bồ và hơn thua, có lẽ hình ảnh vô tư, yêu thương mọi người vô điều kiện dù bị tổn thương như In-gyu sẽ khiến chúng ta phải nghĩ lại. Người trẻ chúng ta lo lắng vì một bài kiểm tra điểm kém, chúng ta thất vọng vì một kì thi trượt, chúng ta tuyệt vọng vì không có một công việc…. những người cha, người mẹ thì hi sinh tất cả vì con, không ngừng đặt những kì vọng lớn lao lên những đứa trẻ bé bỏng …. chúng ta quay cuồng trong vòng quay cuộc sống mà đôi khi quên đi những nụ cười, những phút giây bình yên, chúng ta vội vã trên những bậc thang sự nghiệp, gia đình mà quên đi cảm xúc thực sự của mình, mà dễ dàng buông lời giễu cợt những cố gắng của người khác, mà quay mặt làm ngơ với những số phận khó khăn.

Về phần Ae-soon, bà hiện lên ở đầu phim như một người mẹ vạn năng, làm tất cả vì con cái, nhịn ăn nhịn mặc để dành tiền lo cho con sau này, sẵn sàng làm tất cả mọi việc không để con phải làm gì, từ nấu ăn, rửa mặt, đánh răng, mặc quần áo, che mưa cho con, dắt con qua đường, lên chuyến xe từng ngày đến chỗ làm … bà không nề hà gì, suốt 30 năm vẫn vậy. Thậm chí, ta thấy bà yêu thương con đến mù quáng, bà bênh cậu khi cậu làm sai, khi cậu ăn cắp, khi cậu đánh người,… bà sẵn sàng cúi mình xin người ta tha cho cậu. Bà đã để cho cậu 30 năm không 1 cơ hội trưởng thành, không bắt cậu làm gì, không để cậu tự lập. Điều đó đôi khi khiến ta phải thấy khó chịu, phải thốt lên làm ơn bà hãy sống vì mình đi, làm ơn để con trai bà tự lập đi.

Thế nhưng, dù số phận đầy đau khổ, bà vẫn không than thân trách phận, không giận dữ với những hành động ích kỉ của con, bà thoải mái chơi đùa với con trai mỗi ngày thay vì cau có tức giận. Dù In-gyu có nghịch phá, có cứng đầu đến đâu, bà vẫn luôn nhìn con bằng đôi mắt dịu dàng, yêu thương nhất. Bà thoải mái chơi oẳn tù tì, giả vờ giật kẹo hay vui cười khi đứa con trai gần 30 tuổi nhảy theo điệu nhạc như một đứa trẻ, bà lo lắng cùng con trai khi cậu lần đầu biết yêu, bà chăm sóc cậu hàng ngày mà không nghĩ tới việc phải gửi cậu vào trại trẻ để giảm gánh nặng cuộc sống. Chỉ khi biết mình bệnh nặng, bà mới chấp nhận tìm một nơi cư trú cho đứa con rời xa mẹ là không tự sống được, tuy bị bệnh nặng, nhưng Ae-soon cũng chẳng có giây phút nào ngơi nghỉ. Bà chỉ lo sợ In-gyu chẳng thể sống một mình. Bà cũng thương Moon-kyung, nhưng không thể chăm sóc con gái bởi quá bận lo cho đứa con bị thiểu năng.

Giữa cuộc sống quá vội vã ngày nay, khi mà ai cũng bận rộn, khi mà chúng ta đã quen thuộc với những lời từ chối, trách móc “con tự chơi 1 mình đi, bố bận rồi”, “chúng ta không thể đi cùng nhau được, bố phải làm việc”, “ mẹ rất bận, sao con lại không nghe lời mẹ mà cứ làm tốn thời gian thế?”, “ mẹ mệt mỏi như vậy mà con chỉ biết tới mình con, con không thể quan tâm mẹ hơn sao?” ….. chẳng phải có một người mẹ sẵn sàng bao dung với mọi lỗi lầm của con, sẵn sàng là người ở bên con dù cho có chuyện gì, luôn yêu thương, lo lắng cho con, đó chẳng phải là điều tuyệt vời nhất sao? Dù cho ban đầu bà yêu thương sai cách khi bao bọc con trai suốt 30 năm như một quả trứng gà mỏng manh yếu đuối, nhưng cuối cùng bà vẫn kịp nhận ra để chuẩn bị cho con một cuộc sống khi không còn mẹ.

Hành trình tự lập gian nan nhưng hạnh phúc

Nhịp phim thay đổi khi người mẹ quyết định lo cho đứa con của mình sau ngày không còn mẹ ở bên nữa, ban đầu bà tìm những trung tâm nuôi dưỡng cậu, sau bà không nỡ lòng để cậu già đi trong cô độc buồn chán như thế, bà thậm chí đã mang sổ tiết kiệm đến để định nhờ con gái cả nuôi cậu, nhưng khi thấy cậu phải chịu uất ức, bà quyết định dạy cậu sống tự lập để cậu tự có một cuộc sống tự do, hạnh phúc và không phải lệ thuộc vào ai nữa cả. Người mẹ già kiên nhẫn dạy dỗ In-gyu cách sống tự lập, từ việc để cậu tự nấu ăn, bằng món trứng ốp cậu yêu thích nhất, rồi đến tự sinh hoạt, tự làm việc nhà, tự đi mua đồ, tự đi làm, tự nhớ đường…. có lúc bà chán nản, buồn bã, nhưng bà không bỏ cuộc, dù ít học nhưng bà chăm chỉ đọc sách để có thể dạy cậu tự lập, bà kiên nhẫn hàng ngày, hàng ngày dạy cậu, như bà đã kiên nhẫn chăm sóc cậu suốt 30 năm. Suốt 30 năm ấy, để rồi giờ đây bà có thể buông tay để cậu tự bước đi, đó đã là sự dũng cảm lớn lao của một hành trình không đơn giản. Đến lúc này, ta chỉ có thể thấy thương bà và khâm phục bà nhiều hơn mà thôi.

Có những khi In-gyu chậm chạp, vẫn lóng ngóng, vẫn ăn vụng…. nhưng rồi dần dần cậu học được cách tự chăm sóc mình, đó là một kết quả hạnh phúc, nụ cười vô tư hồn nhiên khi tự biết làm mọi việc ở cậu cùng với cái gật đầu hài lòng mãn nguyện ở người mẹ là hình ảnh hạnh phúc nhất. Cậu biết yêu thương mọi người, cũng như biết mọi người thương yêu cậu chứ không phải là ghét bỏ cậu, vì thế cậu biết mỉm cười, biết xin chào, biết cúi mình, biết quan tâm tới người khác…. Những thay đổi ấy nhỏ hơn những việc cậu tự lập, nhưng rất đáng trân trọng, khiến chúng ta càng yêu thương cậu hơn.

Khoảnh khắc cảm động nhất của bộ phim có lẽ là lúc Ae-soon tìm cách dạy cho con trai hiểu về cái chết, từ việc bà để cho con thấy những chú gà chết, dẫn con đến đám ma, cầu xin cha xứ giúp con,…. Bà tất tả chạy đi tìm con khi bộ não ngây ngô và trái tim bé nhỏ của cậu không thể chịu đựng nổi việc không còn có thể gặp mẹ nữa. Chi tiết trong đám tang của bà, khi tất cả mọi người đều khóc, cậu lại luôn mỉm cười khiến cho tất cả mọi người đều không thể kìm được xúc động, cậu làm vậy vì nghe lời mẹ, vì đã hứa sẽ không khiến mẹ lo lắng, sẽ không khiến chị và mọi người khóc theo cậu.

Nhìn chung, Ngày không còn mẹ là một tác phẩm nhẹ nhàng, nhưng vô cùng sâu lắng và đầy cảm xúc, phim rất phù hợp với đối tượng gia đình, và là lời tri ân cảm động dành cho những bà mẹ. Tôi tin rằng những người cha, người mẹ sẽ thấy mình trong đó, cũng như cũng sẽ hiểu và đồng cảm với những cách yêu thương con cái. Và tôi tin, tất cả chúng ta, những đứa con cũng sẽ hiểu được tình yêu thương của cha mẹ hơn, khi những áp lực cha mẹ đặt lên mình chỉ vì họ đã quá yêu thương bạn mà thôi. Đặc biệt, tôi tin rằng, đây là một bộ phim nhân văn để chúng ta mở lòng hơn, bao dung hơn với những gia đình và những cá nhân khác biệt cần sự giúp đỡ của xã hội, như cách mà mọi người xung quanh đã ở bên động viên và trợ giúp hai mẹ con bà Ae-soon.

Mở lòng để đón nhận một bộ phim nhẹ nhàng, nhiều nước mắt là bước ban đầu để chúng ta có thể mở lòng đón nhận và trao đi những yêu thương trong cuộc sống thực.

Không có nhận xét nào: