Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

Mắc kẹt ở Paris, 2020 - Nhật kí du học

Nhật kí bắt đầu từ  những tháng ngày đại dịch, lúc ấy, mình không hề có ý định public bài viết này, mình ghi nhật kí chỉ đơn giản đó vẫn là thói quen từ nhỏ mỗi khi có chuyện gì, buồn vui sướng khổ mình đều ghi chép lại để thỏa nỗi lòng, vì mình không kể cho ai nghe được. 

Sau này mình càng không muốn gia đình hay người thân phải lo lắng nhưng giờ đây đọc lại, mình chợt nhận ra, con người luôn có những khoảnh khắc tốt đẹp và tồi tệ, cũng chẳng có gì khiến mình phải sợ hãi cả. 

Câu chuyện đã là quá khứ mà giờ đọc lại, mình vẫn thấy sự khủng hoảng và panique của thời gian đó, vì vậy mình vẫn tôn trọng những cảm xúc khi đó, vì nó còn đáng nhớ hơn là sự vô cảm. 

Và trên hết, đó là một phần của mình, một phần của quá khứ, khi mà mình giờ đây vẫn đang "mắc kẹt" không biết đi đâu của tuổi 25 chênh vênh. 


Tôi hay tưởng tượng rằng nếu ai đó tình cờ cầm đọc cuốn journal của mình thì họ cũng thấy hình ảnh một cô gái bình thường, có nhiều khiếm khuyết nhưng nghị lực, cố gắng tìm hiểu và thay đổi bản thân cho tốt hơn mỗi ngày. Và điều này thì chẳng có gì đáng xấu hổ hay cần phải che giấu cả.  
Câu nói truyền động lực cho mình rất nhiều để có động lực và mạnh mẽ hơn của chị Chi Nguyễn 
Vì vậy, mình cũng mong rằng, bài viết này có thể truyền động lực đến một ai đó. Rằng những vấn đề của bạn là điều rất bình thường. Và việc tập suy nghĩ, viết lách, ghi chép hàng ngày có tác dụng như thế nào.

Tuy nhiên, trong bài viết này, mình cũng chưa biết cách viết rõ ràng mà khá lộn xộn trong cảm xúc, mà sau này mình có tìm được những cách thích hợp để biến viết lách thành một cách chữa lành

Link:

2020 là một phép thử, cũng là một sự cản trở để mình thấy cần sống bình tĩnh lại, cần nhận ra những vấn đề của bản thân, nhận ra những khó khăn và cả những điều tốt đẹp. Đó là một bài học, mà một trong số đó về sức khỏe tinh thần mình thấy được, đó là thay vì cố gắng tìm kiếm những niềm vui bên ngoài thì mình phải tự tìm kiếm những niềm vui từ bên trong. Thay vì trông chờ một ai đó giải quyết những rắc rối của bản thân, trông chờ ai đó yêu thương quan tâm bạn, trông chờ ai đó thấu hiểu sẻ chia, thì chính mình phải làm được những điều đó trước đã. Thay vì luôn lo lắng, tính toán kĩ lưỡng từng mục tiêu phải đạt được, từng việc phải làm thì hãy cho bản thân được nghỉ, được yếu đuối, như bạn mình vẫn kêu rằng mình hãy để cho nó qua đi, đừng mãi để tâm hay chôn chân ở khoảng kẹt đó nữa, laisse tomber! 




Thứ 7 22.2.2020


Mình bắt đầu những dòng đầu tiên vào sinh nhật mình, khi dịch bắt đầu có những dấu hiệu đầu tiên ở Châu Á, mà Châu Âu không nghĩ là sẽ tới lượt, cơn sốt đổ xô đi mua khẩu trang, nước rửa tay rất nhiều gửi về Việt Nam, sau đó chính Châu Âu rồi cũng lâm vào hoàn cảnh khốn cùng.

Ban đầu mọi thứ vẫn ổn, mình vẫn gặp bạn bè, vẫn đi chơi, vẫn vui vẻ, dịch bệnh chỉ là một tin tức ở một nơi xa xôi nào đó, đa phần chúng mình lo lắng cho gia đình nhiều hơn, và thậm chí nghe về Vũ Hán với sự tò mò khó tin nhiều hơn. Câu chuyện như phim ảnh vậy, thật khó tin là nó có thật. 

Sinh nhật năm nay thú thực là năm vui vẻ của mình, mình mới chuyển thành phố, chuyển nhà, bắt đầu lại mọi thứ, đầy tò mò và nhiệt huyết. Lần đầu tiên đi khu phố đèn đỏ, không phải đi pub hay boite lần đầu tiên nữa, nhưng mình không thích không khí ồn ào quá nên chọn ngồi bar thân tình nói chuyện đến gần sáng, về chỗ nhà trọ gare một mình đầy mơ màng và nỗi buồn của sự cô đơn sau mỗi lần tụ tập nào đó. Hôm sau nhà mình tụ tập ăn uống với nhau,  mà cũng không ai ngờ chỉ mấy ngày sau đó, mọi thứ thay đổi hoàn toàn, người về, người ở lại, người ra đi.  

Thứ 4, 11/3


Mình bắt đầu ghi nhật kí này, khi cảm thấy tồi tệ.

Cảm giác dù lo sợ vẫn phải mạnh miệng an ủi người khác, nghe tin bé cùng nhà bị tai nạn, mới nói chuyện khuyên các thứ xong, mẹ nhắn tin, hỏi thăm, sợ thật chỉ muốn khóc muốn nói về việt nam luôn, bỏ lại tất cả ở đây, mình vừa nói không sao với mẹ, vừa nói không sao đâu với coloc, mà cảm giác nước mắt tuôn rơi, chẳng ai biết rồi tương lai sẽ thế nào, coloc thì lo bị bệnh rồi ảnh hưởng mọi người, mình thì chỉ nói là biết có bệnh để mà chữa, còn hơn cứ lo lắng không biết như thế nào, cùng lắm thì cách li thôi. Cuối cùng, cậu ấy cũng không sao, thở phào nhẹ nhõm.


Hôm nay lớp vẫn đi học bình thường, cô giáo đã nói về tương lai phải đóng cửa trường.


Cảm giác như tận thế của Châu âu gần ngay trước mắt, đặc biệt là những người nhập cư và sinh viên, vì nhà chúng mình vốn không phải ở nơi này, gia đình chúng mình vốn không ở nơi đây, nơi đây chúng mình chỉ có một mình, đầy cô đơn và sợ hãi.

Đêm 11 cả nhà cùng ăn sinh nhật và nói về chuyện ngày hôm nay, mình làm về muộn nhưng cũng tạt kịp vào siêu thị mua đồ về ăn sinh nhật cho cô bé cùng nhà, về nhà vắng hoe, ai trong phòng đó, nhưng hài cái, đúng 12h đêm, mọi người lại lục tục xuất hiện và nói chuyện cùng nhau. Cuộc sống về đêm mới bắt đầu gần như đã quá quen thuộc, khi ban ngày ai cũng bận rộn đi làm, đi học và ngủ.


Thứ 6, 13/3


3 ngày liên tiếp toàn thức xuyên đêm ngày

Đêm 12 tổng thống pháp có bài phát biểu về đóng cửa các trường học. Chúng mình vừa ăn vừa nói cười vừa nghe tổng thống pháp nói.

Sáng ngày 13 ra đường mọi thứ vẫn vậy, người vẫn đông. Chỉ có các siêu thị là cháy đồ

Tối đó mình lại uống và tâm sự với bạn mình, những trăn trở và nỗi lo, 12h đêm mình mới ra về mà không ở lại, đi trên đại lộ mà mưa lây phây

Trên đường về, thực tình mình đã khóc. Mình thấy thương cha mẹ lo cho mình mà bản thân mình cũng lo, chẳng thể nói lời an ủi. Sáng nay mẹ nhắn tin cho mình, hỏi rằng con về nhà rồi tính sau được không. Mình khóc vì cảm động nhiều hơn. Bình thường mọi người chỉ hay nói mình phải thế này phải thế kia, cảm giác như đây là lần đầu tiên mẹ hỏi mình có được không, mình không biết mẹ có suy nghĩ lắm lắm trước khi nói điều này với mình không, nhưng mình cảm giác như thấy hình ảnh mẹ dè dặt gợi ý và đợi chờ mình, đợi chờ quyết định của mình. Đó cũng là khoảnh khắc mình xúc động nhất, mình nhận ra, bố mẹ đã già rồi, bố mẹ đang đợi chờ mình, bố mẹ có thể trông chờ mình, mình đã lớn rồi, mình không còn trong vòng tay gia đình nữa rồi, mình là một người trưởng thành phải tự đưa ra quyết định cho bản thân mình. 

Hơn 1 năm ở Pháp, tự học tự làm tự quyết định tự chọn lựa, mình cũng ngại mở miệng nhờ vả gia đình dù cho bố mẹ có nói làm ít thôi, giữ sức khoẻ đi, mình lười chia sẻ những quyết định những suy nghĩ của bản thân, mình bận rộn trong các dự định, các mối quan hệ mới. Mình cũng tự hỏi thời gian của mình đi đâu, mà lúc nào mình cũng thấy thiếu, cũng bận, cũng áp lực. Nhìn lại, muốn nói 1 lời yêu thương với gia đình mà mình cũng ngại. Có lẽ, những thứ đã đánh mất rồi, những khoảng trống vô tâm không hiện diện trong cuộc đời nhau khó mà lấy lại được

Trong sự cô đơn bất an, mình nhắn tin cho cậu bạn mà đã lâu rồi chúng mình cũng  không nói chuyện cùng nhau. Mình nhớ nụ cười toe toét của cậu, ước gì cậu an ủi mình điều gì đó. Mình chẳng hiểu gì về cậu, mình cũng chẳng biết gì về cậu, không cùng ngôn ngữ, mình biết chẳng có gì cho mình và cậu. Dù cho mọi điều mình đã thấy ở đây, không gì là không thể, nhưng cậu vẫn quá xa so với mình.

Thứ bảy, 14/3


Ngày 14, đi làm bình thường nhưng mọi thứ đã rất panique hỗn loạn, chỗ làm mọi người xếp lịch cho tuần sau nhưng cũng đã lo sợ ngày đóng cửa không xa. Đi làm mà trên newsfeed gần như bạn bè mọi người đều rầm rộ đi về, nhà bay việt nam công bố đưa công dân việt về nước, tất cả gần như hỗn loạn muốn đi về.

Đêm 14, thông báo đóng cửa tất cả những nơi không cần thiết. Mình và mọi người nhà hàng còn không biết hôm đó là buổi làm cuối cùng. Nghe nói sau đó 11h đêm mọi người đến dọn và sắp xếp đồ đóng cửa. Như một cơn bão điên loạn fou ở tất cả nhà hàng.

Chủ nhật, 15/3


Sáng dậy tin nhắn ngập tràn, mọi người hỏi thăm và cuống cuồng, bố mẹ nhắn tin gọi điện.

Mình trả lời các tin kiểu không còn biết mình đã nhắn điều gì, chỉ nói cho có và hết.

Mình vẫn nhớ sáng thứ 7 đi làm, mọi người lo lắng quan tâm nhau, cùng nói đến tương lai sắp phải đóng cửa và lo lắng cho nhau, cho cuộc sống, sức khỏe và tiền lương, chủ nhật, chú responsable gọi mình báo phải nghỉ, đừng lo lắng quá, mình nói mình hiểu mà, trước đo Cartherine báo đêm qua 11h mọi người tất tả đến dọn đồ, trong khi chỉ mấy tiếng trước đó, mọi người còn đang sắp lịch cho tuần sau làm việc, cho hè nghỉ vacances,.... sau đó chị cùng làm cũng giục mình đi mua đồ chưa, ở một mình phải cẩn thận nhé. Mọi người quen bên Pháp đều hỏi, thế mình có về hay không. Bạn bè cũng gọi điện cho nhau tới tấp, chia sẻ từng thông tin, từng bước chuyển mới, đứa bạn còn an ủi, ít nhất sẽ qua được chỗ bạn bè, vẫn tụ tập đi lại được. 

Chỉ mấy tiếng sau, đôi phòng bên đã to tiếng về hay đi, sau vài tiếng, cả nhà quyết định về hết, chỉ còn lại mình và một bé nữa không đi.

Sau cuộc nói chuyện với mẹ, mình cũng muốn về, rất muốn về. Nhưng mình cũng tự dặn lòng, liều hay không, dám hay không. Chẳng biết tương lai sẽ như thế nào, nhưng giây phút này, mình vẫn sẽ ở lại mà thôi. Chẳng biết vì sao, chỉ vì còn những người bạn thân khác của mình, những người vẫn đang bình tĩnh, nên chắc mình vẫn sẽ cố trụ lại. Mình không cô đơn nên sẽ cố gắng. Mình không muốn lại hòa cùng sự hỗn loạn này.

Mình không muốn hòa cùng sự hỗn loạn trở về, cũng không hòa cùng sự hỗn loạn mua sắm, panic shopping của hàng nghìn người. Trong lúc hỗn loạn nhất, mình luôn tự nhủ bình tĩnh đứng ngoài vòng xoáy nếu được.

Chỉ đến chiều nay thôi, 1h sau, cả nhà đã tất tả dọn dẹp hết đồ đi về, chỉ còn mỗi mình mình mà thôi. Mọi thứ quyết định chóng vánh, thật bất ngờ.

Không biết cảm xúc là gì nữa, cảm thấy không có cảm xúc gì nữa, chán nản hay gì, lo lắng hay gì, tất cả chẳng còn nữa.

Đêm tối 23h, cả nhà cuống cuồng lên, thông tin Pháp tối t2 sẽ bắt đầu thông cáo chặn Paris, mọi người nháo nhào sợ hãi, những cuộc điện thoại tin nhắn liên tục, tất cả đều panique và lo sợ.

Thứ hai, 16/3


Mình không ngủ được, nhắn tin với vài người bạn thân về thông cáo phong toả sắp đến. Như chiến tranh vậy. Chính trong những lúc yếu đuối này nhất, lại là cần một chỗ dựa, một người làm mình yên lòng, thậm chí chỉ cần một tình yêu một người con trai sẵn sàng vì mình, mình sẽ không thấy cô đơn và yếu đuối như thế này. Ước gì, chàng trai ấy đã xuất hiện cho mình.

Sáng thứ 2 bình yên, cô bạn mình nhắn tin rủ ra ngoài đi dạo trước khi lệnh lockdown xuất hiện, một người bạn đến chia tay các coloc nhà mình khi mai 5h sáng mọi người sẽ rời đi. Như một cuộc trốn chạy ở đây.

Nhưng ở 1 diễn biễn khác, những người bạn mình quen vẫn ở lại Pháp, gần như tất cả, mọi người đều lo lắng về tương lai nhưng cũng lại rất bình tâm đợi chờ. Nếu lockdown được ban hành, thông tin đêm qua rò rỉ là đúng, thì ít nhất 1 tháng, không thì 3,4 tháng sau mới chấm dứt. Trong khoảng thời gian đó, mình cũng không rõ mình sẽ làm gì cho qua ngày. Mình đã bận rộn quen rồi và giờ là sự không quen vắng lặng.

Cô bé cùng nhà gọi mình dậy lúc 1h rưỡi chiều, thực tình, mình lười cất tiếng nói hơn bao giờ hết. Ngày mai, khi mọi người đi, chắc mình sẽ chìm trong thế giới riêng mình mất.

Thứ ba 17/3


Thực sự một đêm không ngủ luôn, nhà mình mọi người đã đi rồi, thực ra đêm qua mình không ngủ, mình vẫn thức khi mọi người dậy chuẩn bị đồ đi về, mình nghe rõ tiếng nói chuyện của mọi người, biết mọi người làm gì nhưng mình cũng chẳng thể ra tiễn các bạn, cảm giác ở lại thật thốn. Đó có phải là cảm giác của sự giận dữ hay là sự bất lực của sự mất đi?  Mình nhớ hồi kí túc đại học, cũng vào một dịp lễ nào đó, mọi người trong phòng 10 người về gần hết, chỉ còn mình và hai bạn nữa, tối đó chúng mình cũng mua đồ về uống và nói xấu mấy đứa đã về quê, nghĩ mà buồn cười, trẻ con vậy đấy. Nhưng ít ra khi đó còn có người cùng mình nói xấu người khác :) cũng chẳng hối tiếc gì. Chỉ là, sau này đến tận bây giờ, mình càng ngày càng ghét những sự chia ly, càng đặt ít tình cảm và ít gắn bó, càng ít bị tổn thương.

Thôi vậy là các bạn đã đi rồi, coi như lại một mùa hè nữa đến, lại một mùa ra trường nữa đến, lại chia tay mọi người thôi.

Mình ngủ khi trời sáng, một giấc ngủ lệch giờ nhưng mình lại thấy ít mệt mỏi hơn mình nghĩ. Dậy ăn sáng, dọn dẹp nhà cửa và rồi lại ngủ trưa, chiều học, và tận hưởng nỗi khốn cùng của việc không có internet, đây chắc là cực hình lớn nhất rồi, không còn gì có thể hơn nữa, sống cách ly và không có mạng. Số phận trêu đùa gọi tên, đến tối, mình hết sạch 3g cá nhân, phải đợi gói mới, hoặc phải tìm cách khác, cuối cùng cũng chẳng có gì :)

Thực ra, ngày trôi qua nhẹ nhàng hơn mình nghĩ. Nỗi buồn lớn nhất là gì, có lẽ việc không liên hệ được với những mối quan hệ, những lời hỏi thăm không được hồi đáp, những mong muốn không được đáp ứng, khiến mình chẳng còn thiết tha lắm với những mối quan hệ xung quanh lắm, như là mình sắp xa cách thế giới này rồi. 

Thứ 3 24/3


Một tuần đã trôi qua của cách ly, phong tỏa, khẩu hiệu bên pháp "restez chez vous" nhắc đi nhắc lại, mọi thứ bình lặng trôi qua nhẹ nhàng như thời gian bị ngưng đọng lại vậy.

Nhà mình về Việt Nam an toàn, có cậu bé mãi không bay được, có những người mắc kẹt ở sân bay, mình gọi điện cho vài người, ngày trôi qua ngày, nhưng đến hôm qua, là dần quen, mọi thứ dần đi vào ổn định, nhưng mình cũng hơi mệt, đêm qua mình sốt, mình thực tình lo lắng và sợ hãi, nhưng mình quyết định mình tự cách ly chính mình, ăn uống nâng cao sức đề kháng. Mình biết đang có một cuộc chiến, trong chính mình. Lần gần nhất mình nghe từ chiến tranh này là lúc tổng thống Pháp kêu gọi mọi người hãy ở nhà đi, làm ơn hãy ở nhà đi, chúng ta đang trong chiến tranh.

Mình gửi email cho giáo viên hôm qua, nói rằng mình không có mạng nên sẽ khó có thể theo kịp lớp học nhưng mình sẽ cố gắng, một cô thì gửi email lại đòi bài của mình, mình còn một môn phải thuyết trình nữa, chán ghê, còn 1 thầy tốt bụng thì nói điều thầy lo nhất là em ở một mình và em còn không có mạng để kết nối xã hội với mọi người, đó là điều cuối cùng mà chúng ta còn lại lúc này mà, em ổn chứ, nghe mà ấm lòng :)))

Thực tình, mình cũng giận anh hàng xóm ghê, những lúc khó khăn thế này, anh chia sẻ chút wifi cho mình có phải sai trái đâu, mình ca thán với các bạn, rồi cũng nhận ra, thực ra sao mình cứ phải bảo thủ với một chuyện vậy, chỉ đơn giản chấp nhận và thích ứng thôi. Dù sao ở nhà một mình cũng chán, mình muốn đến nhà bạn bè cho đỡ buồn. 

Mình không cãi nhau với người ở cùng, nhưng bực mình khá nhiều, vì mình không bao giờ muốn làm phiền người khác nên mình cũng muốn những người liên quan đến mình cũng sống biết điều và lịch sự, sau mình tự phải nhắc nhở bản thân, hãy rộng lượng lên nào. Mình có thể không thích hòa đồng, không thích ăn chơi cùng mọi người, vì mình cũng kì lạ rồi, có thể người có vấn đề đang chính là mình chứ không phải người khác.

Sau khoảng thời gian một mình, mình lại chợt nhận ra, thời gian qua, vì để hòa đồng cùng mọi người, mình đã giảm cái tôi của mình xuống nhưng cũng sống không phải là mình, tự dưng một khoảng lặng đến, mình nhận ra, đây là lúc để mình học cách yêu bản thân, sống vì mình và biết cách cư xử hơn. Thực tế áp dụng thì cũng còn xa lắm, nhưng kệ, tính ra một tuần lại khiến mình trưởng thành nhiều hơn.

Điều hối tiếc nhất của mình sau những ngày tháng bên Pháp là gì, có lẽ là, trưởng thành hơn nhưng cũng không còn hồn nhiên, vui tươi nữa rồi.  Nếu quãng thời gian bên Pháp này có kết thúc năm nay, thì ít nhất, mình cũng sẽ chấp nhận nhẹ nhàng.

Cậu bé mình quen cứ giục giã, sao mình chưa quyết định gì, năm sau mình như thế nào,..... thực tình, mình chuẩn bị cho cả 2 phương án, về hay ở lại đều chẳng đáng sợ.

Mấy hôm trước, mình đọc thấy tin, một bé ở Pháp bị nhiễm bệnh, mà tình hình tệ là bé không thể liên lạc được với hệ thống y tế, vì hiển nhiên nó cũng đang quá tải quá rồi, ai đang ở xa xứ chắc chắn cũng sẽ có cảm giác thương cảm đồng cảm như mình và những người khác, sau bé cập nhật cảm ơn mọi người, vì đã ủng hộ rồi còn giúp mang đồ ăn đến cho bé, thực sự, đọc mà ấm lòng. Chúng ta, không ai cô đơn quá đâu, tự an ủi mình :))

Mẹ cũng suốt ngày nhắn tin đòi gọi điện, mình vẫn lười cập nhật thông tin, nhưng thực ra, ngày nào mình cũng đợi những tin nhắn từ mẹ, hôm nào mẹ không nhắn gì, mình lại ghi nhớ, lại nói thế là mọi người không quan tâm mình rồi, mình đợi gia đình chủ động quan tâm mình, rồi khi những người đàn ông trong nhà, không ai hỏi han mình, như anh, như bố, như chú, mình lại giận, chỉ có mỗi ông là còn quan tâm mình. Nhưng khi mẹ nhắn tin hỏi, mình lại cáu :)) mình với mẹ không hợp nhau đến vậy là cùng, nhiều khi mình phải tránh nói chuyện vì như kiểu bị xuống tinh thần và cảm xúc, nên thực sự không phải mình không yêu thương mẹ, nhưng thực sự, mình bị ảnh hưởng quá nhiều, nên thà mình không đối đầu còn hơn tự làm mình đau, ông thì khác, nói chuyện với ông nhiều khi mình lại khóc, vì ông chạm đúng nỗi lòng và con người yếu đuối trong mình.

Thực tình, ở lại đây mình không sợ cho mình, mình chỉ sợ ở nhà có chuyện mà lúc đó đang phong tỏa, mình không thể nào về được mà thôi, đó là điều mình sợ nhất, nhiều khi mình khóc vì nghĩ tới cảnh đó. Chỉ mong gia đình và người thân sẽ không sao mà thôi.

Hôm trước mình chọn bài luận là viết về sống bền vững qua dịch virus này trong chủ đề môi trường nhàm chán mà cô bắt làm.

Mình cũng đồng ý rằng #Corona bắt ta phải tối giản, chúng ta phải học cách để sống khỏe mạnh, dịch bệnh  bắt chúng ta phải tập thể dục, phải nấu cơm ăn ở nhà, phải rửa tay sạch sẽ, phải ăn uống thuận tự nhiên, bắt phải trồng rau, phải bảo vệ môi trường, phải dạy con, phải homeschooling, phải làm việc và học online, bắt nuôi con bằng sữa mẹ, bắt sống như thời tiền sử luôn... nhưng cuối cùng, con người vẫn làm được thôi, đâu có vấn đề gì đâu nhỉ :) 

Chủ nhật 29/3


Mình đọc được một bài viết của cô gái trẻ là bác sĩ, bài viết cho tháng 3 đầy giông bão, đọc xong mà cũng cảm thương những người đang phải đứng mũi chịu xào, các y bác sĩ và quân đội cảnh sát, họ cũng là con người, cũng có những ước mơ, mộng ước, những kế hoạch, những dự định, họ cũng có gia đình, cũng có bạn bè, người thân.

Cả những cô cậu sinh viên năm cuối ngành y phải tốt nghiệp sớm và đi làm sớm, họ chắc đã rất mong sự tốt nghiệp diễn ra nhẹ nhàng vậy, nhưng chắc chắn chẳng hạnh phúc nổi với sự kết thúc mấy năm họ như thế này.

Mình cũng đọc những bài nói về tình hình chính trị trên bàn cân Mỹ và Trung quốc, sự thâm độc của trung quốc và sự lố bịch của Trump. Thế trận không có người lãnh đạo, không biết sẽ đi về đâu.
Mình cũng đọc về cuộc sống ở Việt Nam, nỗi lo bùng dịch và sự tụt dốc của kinh tế. Trung Quốc có thể vực dậy kinh tế và hạn chế dịch trong vòng 1 tháng, nhưng các nước khác vẫn đang chìm trong vòng quay mòng mòng không lối thoát ấy, sau đợt dịch này, chắc chắn kinh tế sẽ tụt dốc thê thảm.
Mình cũng nhìn tình hình Pháp, nỗi lo cho nông nghiệp khi rau củ phải vứt đi không tiêu thụ kịp, khi nhà hàng đóng cửa bất ngờ, vận chuyển giảm, người dân tích trữ đồ nhưng lại ít tiêu thụ đồ tươi trực tiếp như trước với sự hạn chế ngày càng lớn, và vụ mùa không đợi ai, nhân công thiếu hụt cho thu hoạch và gieo trồng vụ mới dù cho toàn đất nước đang thất nghiệp nằm nhà. 

Những ngày này, mọi người nói rất nhiều về việc về hay ở, mình thì nghĩ rằng, ai cũng có quyền, được trở về với đất nước và gia đình của mình, nên thật xin lỗi, các bạn thích đánh giá việc người khác về hay không. Chẳng ai có lỗi hay là tội đồ khi muốn VỀ NHÀ cả. Khi bản thân những người trở về, biết nhận thức, biết trung thực, khai báo và cẩn thận, đúng mực. 


Rất nhiều người cho mình cái quyền chửi bới người khác, chỉ vì lựa chọn một cuộc sống tốt hơn. Và cũng rất nhiều người được trở về cho rằng mình an toàn để chửi lại người khác.


Nhìn chung là đau đầu quá, may chưa tận thế, chứ không biết tận thế, con người còn dồn nhau đến đâu nữa.  Vì vậy, mình vẫn chúc mừng các bạn đã an toàn trở về nước, đã về được đến vòng tay gia đình.

Với rất nhiều người, chọn ở lại, không về được, vì gia đình, vì tiền bạc, vì công việc, vì cuộc sống.... Ai cũng có lý do của mình, dù làm gì đi chăng nữa, cũng chẳng có con đường nào vẹn toàn cả. Nhưng mình tin, người ở lại cũng không hạnh phúc hơn người trở về. Cũng chẳng biết được con đường nào khổ hơn con đường nào, cũng là duyên số đã an định rồi :) 

Nhưng các bạn ở lại, các bạn ở bất cứ nơi đâu, ngoại trừ Ở NHÀ, ngay lúc này đây các bạn cũng sẽ ổn. Các bạn không cô đơn, các bạn có dân bản xứ, chính phủ sở tại, và hàng nghìn người cũng đang giống các bạn, giam mình trong những bức tường nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn. 

Chúng ta đang trải qua thử thách và khó khăn, nhưng đó cũng là bài học cho tất cả chúng ta, là phép thử để chúng ta phát triển hơn, hoặc bắt đầu lại để tốt hơn. 

Mình đọc được một cô bạn ở Mỹ chia sẻ rằng "Hóa ra nước Mỹ rộng lớn nhưng mình không hề cô đơn. Những du học sinh được về với gia đình, xin hãy biết rằng bản thân may mắn hơn nhiều người khác. Du học sinh bị mắt kẹt, mình biết mọi thứ thật khó khăn khi phải trải qua những ngày này một mình. Nhưng khi chúng ta cố gắng, mọi thứ rồi sẽ ổn".

Mình, vẫn lựa chọn ở lại, và giờ là mắc kẹt trong thành phố này.Tại sao mình không về, như hàng ngàn du học sinh khác, đang tất tả trở về?

Câu hỏi hàng ngàn lần hiện ra trong đầu mình, khi mà Pháp mới bắt đầu đi vào sự tăng vọt của bệnh dịch, khi đêm thứ sáu tổng thống Pháp công bố đóng cửa trường học, đêm thứ 7 vội vàng tất tả đóng cửa các nhà hàng, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim,... tối chủ nhật tin lộ ra Pháp sắp phong tỏa cách ly, tối thứ hai, đợi chờ bài phát biểu của tổng thống ban bố tình trạng khẩn cấp. 

Quyết định ngay lúc đó, trước khi quá muộn, hành động ngay để không phải nuối tiếc, nhưng sau tất cả, mình tự nhủ bình tĩnh và hãy kiên nhẫn, đợi chờ, mình vốn dĩ cũng chẳng có bệnh tật gì để mà phải lo sợ cái chết, chẳng nên hòa mình vào dòng người đang hỗn loạn chạy trốn nữa, dù có muốn về bên gia đình, thì cũng hãy về khi mọi thứ bình yên hơn. 

Đại dịch này không thể giết chết những người trẻ, những người khỏe, cũng chẳng phải là tận thế của nhân loại, nó chỉ là một khoảng lặng mà thôi. Sau hơn một ngày không ra khỏi ngoài, thật tâm, giữa những biện pháp nghiêm khắc đất nước này đang áp dụng để dập dịch, mình lại càng bình tĩnh hơn, thoải mái hơn và có cái nhìn sâu sắc hơn. 

Quan trọng không kém, mình còn các bạn, những người vẫn ở bên đây, quan tâm và giúp đỡ mình. 

Mình hay đùa rằng, chắc 1 tháng cách ly này, sẽ cho ra đời cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh dị đầu tiên được đó, thực tình, chắc sẽ là thời gian nghỉ ngơi, hưởng thụ, chuẩn bị giấy tờ cho năm sau bắt đầu lại, rồi tìm hiểu các hướng đi mới. 

Thứ 5 2/4


Hôm qua là 1/4, định trêu đùa vào câu, mà cuối cùng cũng không hứng thú lắm, con người ta càng già càng không làm được mấy trò hồn nhiên trẻ con được nữa.

Cảm giác một mình trong căn nhà thực ra cũng tệ lắm, mà chẳng làm gì được, khi còn 2 người dù gì mình cũng cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều, đã lâu lắm rồi mình không ở một mình, hình như từ bé tới lớn luôn trong 1 tập thể, thi thoảng mới được ở 1 mình

Tự dưng, lại nghĩ tới các mối quan hệ, không phải ai cũng là bạn với nhau được, dù muốn hay không. Mình từng nói với một người rằng, mình không thích ở một mình lâu, vì đã từng có lúc mình như vậy, sau đó mình thấy có vấn đề, mình chẳng còn muốn nói chuyện với ai nữa, không ngờ bạn để tâm nhưng bạn cũng không quan tâm hỏi han mình khi mình một mình, có lẽ bạn không hiểu hoặc không giống mình, mình chỉ tâm sự và tỏ ra yếu đuối với người mình tin tưởng thân thiết, còn lại mình không bao giờ là kiểu tâm sự tám chuyện với người khác, thậm chí mình sẽ không bao giờ nói mình buồn hay mình đau gì hết, như dù có muốn cô bé cùng nhà không về Việt Nam nhưng mình vẫn đứng ở khách quan kêu em nên về, vì điều đó tốt cho em. 

Mình bị hội chứng người tốt điển hình, mà thực tế, mình cũng hoàn toàn biết được, không là người tốt thì ta chắc chắn sung sướng hơn rồi :) . Cũng giống như khoảng thời gian sau khi mình không ở kí túc xá nữa, mình buồn thực và nhớ mọi người, nhưng cũng chẳng ai có thể quan tâm nhiểu, mình cũng thử nói những điều mình yếu đuối ra, nhưng rồi không được đáp trả, mình lại phải tự vượt qua, rồi cũng qua thật. Nhưng cũng ổn, vì lần này hoá ra mình không cô độc nữa, vì có những người không lãng quên mình, vẫn quan tâm mình, mình cảm thấy có điểm tựa, có thể mách ai đó chuyện mình bị bắt nạt, luyên thuyên chuyện mình khó chịu, lo lắng về tương lai.... nên dù ngày có trôi qua buồn tẻ, mình cũng thấy bình yên đến lạ :)?

Thứ 5 16/4


Thứ hai, tổng thống Pháp phát biểu sẽ kéo dài confinement đến 11/5, không bất ngờ, mọi người dự đoán là đến cuối tháng 5 mới được ra ngoài lại bình thường

Mình trải qua những tuần chán nản, không internet, máy tính hỏng, mình bỏ học, bỏ thi, và suy nghĩ khá nhiều, có nhiều điều đã thay đổi.

Có những ngày mình ngủ nhiều đến nỗi, dậy thấy cả chục cuộc gọi nhỡ của bạn bè, gia đình cũng hỏi nhiều, mình kêu mình sắp chết vì chán đến nơi rồi, có đứa kêu cố sống đi :) thực tình, chán trong tình trạng của mình là bình thường thôi, nhưng tất nhiên mình không yếu đuối đến vậy, mình vẫn muốn sống tốt. Thực sự mình mong mỏi, tự các vấn đề của mình được giải quyết, nhưng mình cũng biết, nếu mình không làm gì, thì cũng chẳng có gì thay đổi cả.

Dưới sân nhà, mọi người vẫn tắm năng, pinique và vui đùa, trẻ con vẫn chạy nhảy.

Chủ nhật 10/5


Cuối cùng cũng gần đến ngày hết phong tỏa, dù tình hình ở paris vẫn tệ vậy. 
Cảm giác thông báo ngày mai là ngày cuối rồi đó, lại được ra đường rồi đó, nhưng thực ra lại cảm thấy vô cảm. 


Thứ 4 14/10


5 tháng sau ngày cuối cùng phong tỏa đợt 1, đi biền biệt suốt 3 tháng hè, đi cho thỏa nỗi lòng bị kìm kẹp và nỗi sợ không biết rồi điều gì sẽ đến trong tương lai. Mình vui vẻ và bận rộn đến nỗi quên luôn ghi nhật kí. Mình trở lại Paris vào cuối tháng 8, tìm được chỗ ở mới, dọn đồ đạc,....

Mọi chuyện có ổn, có không ổn, có buồn có vui.

Quê nhà cũng khủng hoảng vì trận bão lịch sử, ngập lụt lịch sử. Lúc này, mới nhận ra rằng cuộc sống ở Việt Nam khó khăn như thế nào và những bất cập trong bộ máy, trong chính sách ra làm sao. 

Thực tình, dịch bệnh đã làm thay đổi khá nhiều thứ, trong cảm xúc, trong hành động, trong định hướng bản thân. Mình suýt cãi nhau với mọi người cũ trong nhà, vì cảm giác cô độc bị bỏ lại nhưng lại là người phải có trách nhiệm với mọi thứ mọi người để lại trong khi bản thân mình không hề ở đó và mình bị động và khó khăn hơn mọi người cực kì nhiều. Lúc đó, câu hỏi hiện lên trong đầu mình lại là mình có phải bị hội chứng người tốt quá mức không, mình sợ bị đánh giá, mình sợ bị trách móc nếu có gì xảy ra, mình cáu nhưng mình không muốn trao đổi với mọi người tìm cách giải quyết nữa, thay vào đó cuối cùng mình mặc kệ, khi mọi người quay lại Pháp mà không nói lời nào với mình, mình tự nhủ rằng đó cũng là lúc chấm dứt, mình chẳng biết lỗi sai từ mình hay từ ai, có những điều nó phải xảy ra như vậy mà thôi. Có thể bản thân việc suy nghĩ quá nhiều và luôn muốn có một hình tượng tốt khiến mình tự mệt mỏi. 

Gần 1 tháng trên núi trở về làm mình vui phơi phới, mình lại ao ước những chuyến đi, mình lại thích thú đợi ngày tuyết về để đi ngắm tuyết, rồi đợi xuân đợi hè qua Thụy Sĩ vi vu, đến Iceland ngắm cực quang, qua Bắc Âu tận hưởng nhịp sống bình lặng. 

Tổng thống thông báo t7 này sẽ áp dụng giới nghiêm, tình hình tệ đi không có chuyển biến tốt đẹp. 


Thứ 4 28.10


Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng lại rơi vào cơn khủng hoảng dịch bệnh lần 2, những ngày này, mọi người đều nói về những ca bệnh tăng mạnh và những con số người chết

Từ thứ 2 dân Pháp đã truyền tai nhau rằng sắp tới lại là một lần tái phong tỏa nữa đang tới, nhanh thôi
Tối nay, tổng thống Pháp có bài phát biểu chính thức, bắt đầu từ tối t5 rạng sáng t6, Pháp lại đóng cửa lần nữa. 

Cuộc sống thực khó khăn trong năm nay. 

Thứ 5 29.10.2020

Đêm trước phong toả lần 2, Paris xô bồ một cách náo nhiệt, người thì gấp gáp về nhà người thì chậm rãi di chuyển. Kịp gặp các bạn, đi tìm bức ảnh mùa thu, rồi vô tình gặp thêm các bạn khác nữa, vô tình gặp cậu bé đáng yêu, ông anh chụp ảnh vội vàng, cô bán hàng người Việt, cặp đôi xin chụp ké ảnh,..... 

Mình cực thích những chuyến đi gắn với con người, gặp gỡ những người mới khiến mình thấy vui ghê lắm luôn. 

Lần đầu về nhà sau 9h giờ giới nghiêm, bận rộn ngoài đường cả ngày, cùng dòng người vừa vội vã mệt mỏi vừa thảnh thơi như được giải phóng. Mình mua lại bộ ván trượt mới, tối mới tới lấy được, gặp đúng khu nhà của dân được trợ cấp, nhìn như vô gia cư, các bạn ở tận cùng dưới đáy xã hội, mình sợ lắm luôn. Nhưng cuối cùng, mình lại cảm thấy vui và chiêm nghiệm với người mẹ và đứa nhỏ đưa đồ cho mình, Dù cuộc sống như thế nào, thì hãy luôn sống tốt và yêu thương mọi thứ, rồi bạn sẽ hạnh phúc! 

Là một chứng nhân lịch sử hoà cùng dòng chảy của xã hội đương thời, tự dưng ước muốn được làm phóng viên bùng dậy 😝😝😝 mình chẳng muốn một khoảnh khắc hay một góc tối nào đó bị lãng quên.

Nhưng thự tình xã hội bên ngoài kia, là những bất ổn leo thang ở Pháp 

Tối qua vừa nhận tin tái phong tỏa. Sáng nay tin bạo động chết người ở Nice,  tin bạo động tẩy chay hành hung người châu Á nữa , nhất là ở Paris !!! Từ hôm qua đã có tin khủng bố ở Paris, Eiffel sơ tán dân chúng vì phát hiện 2 túi súng và đạn dược, gare de Lyon nhận được lời đe dọa,..... 

Không biết rồi Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng sẽ đi về đâu nữa. 

Thứ 5 31/12/2020

Mọi thứ ổn định lại, đi học rồi lại phong tỏa, đi làm lại, tìm kiếm thực tập nhưng chưa có kết quả nào khả quan. Lại chán nản, lại muốn buông bỏ, cảm thấy thực sự mắc kẹt, mình không biết mình đang làm gì và cần làm gì nữa. 

Mình lại ở giai đoạn cảm xúc tiêu cực, mọi thứ tồi tệ, mình buông thả bản thân, mọi thứ thực sự tệ với mình trong suốt một khoảng thời gian mà mình không tự vực dậy được. Mình thậm chí còn không có ý định muốn chia sẻ tìm sự trợ giúp như trước nữa, mình chỉ đơn giản để mình trôi tuyệt đi mà thôi. Đó không phải là trò tàu lượn siêu tốc, mà là cảm giác ở trong bể bơi một thời gian quá lâu rồi, tay chân ngấm nước và trương phình lên ấy.

Pháp đã mở cửa lại Noel, vốn cũng muốn về Grenoble lên núi,  hoặc lên Strabourg với bạn bè, nhưng rồi quyết định vẫn ở lại Paris, cũng từ chối những lời mời một đêm ấm áp. 

Lần đầu tiên từ khi sang Pháp, mình quyết định kì nghỉ không đi chơi, thực sự là lần đầu tiên, lần đầu tiên Noel và năm mới không tụ tập, không ở bên ai thân thiết, mà là một mình. Không phải lần đầu tiên, mình cho bản thân thả dốc cảm xúc mà không buồn nâng nó lên, nhưng đối với một dịp đặc biệt như là Tết với mình ở Pháp, nơi mình luôn có những kỉ niệm đẹp mà mình tự tạo ra ;) thì đây đúng là lần đầu tiên mình dám làm vậy, sau đó thì mình cũng khá hối hận đó. Dù mình dám khác người nhưng mình hối hận vì đã thả trôi, vì đã không làm cho thời gian ấy là sự ý nghĩa, mình cũng tiếc nuối, nhưng chắc đó là điều mình cần, để mạnh mẽ hơn, để không buông mình chìm đắm nữa. 

Tạm biệt năm 2020, vẫn mắc kẹt ở Paris, không biết tương lai đi về đâu, không biết có về được Việt Nam hay không, có thể trong khoảng thời gian dài tới, Châu Âu vẫn hạn chế đi lại, về nước phải đăng kí chuyến bay cứu trợ về. Cuộc sống mình vẫn mù mịt, mong cũng ra được trường, làm được việc mình yêu thích. Đêm nay pháo hoa bắn ở lâu đài Versaille, nghe tiếng pháo hoa và tiếng hò reo mà lòng bồi hồi. Dù trong khó khăn hay nghịch cảnh, bạn vẫn phải vượt lên :) 

Tạm biệt 2020, nhưng đồng thời, tự dưng mọi chuyện cũng tốt lên, khi bản thân mình nhìn nhận lại vấn đề, chú tâm vào cảm xúc và tìm cách chữa lành. 

Mình nhận ra chỉ cần mình còn muốn, thì sẽ luôn có cách. 
----------------------------------------------------------------------

P.s : Chân dung bài post khiến mình có động lực để public năm 2020 hơi xuống dốc của bản thân ;))) 
Nhưng mình thích cách bạn ấy viết rõ ràng từng mục tiêu, định hướng và cách khắc phục. Quan trọng nhất là phương án đề ra mà bạn ấy nghĩ là có thể thực hiện được. Mình nghĩ lập bảng kế hoạch cũng khá hợp lí: mục tiêu, kết quả, dự định. 

- TỔNG KẾT MỤC TIÊU NĂM 2020
=> DỰ ĐỊNH 2021
1. Tăng 10 ký: FAIL
=> Cải thiện giấc ngủ
=> Uống nhiều hơn và ăn nhiều hơn
2. Chăm sóc bản thân nhiều hơn: SUCCESS
- Cải thiện ngoại hình, cách ăn mặc.
- Rèn luyện sức khỏe.
=> Luyện thói quen tập thể dục mỗi ngày.
3. HK1 Thạc sĩ trên trung bình: SUCCESS
- 6.3 / 10
=> Trên 7
=> Hoàn thành stage.
4. Cải thiện ngoại ngữ: 50/50
- Cải thiện nghe đáng kể.
=> Rèn luyện nói + viết.
5. Apply ít nhất 1 học bổng: SUCCESS
- Học bổng IDEX của Paris Saclay nhưng không đậu. 
=> Học bổng M2 / Stage 
6. Tự chủ tài chính: FAIL
- Chưa đi làm được nhiều.
- Chưa quản lý chi tiêu sát sao. 
=> Làm thêm part-time.
=> Tiết kiệm để tự mua sắm.
7. Đọc sách ngoài chuyên ngành 12 cuốn / năm: SUCCESS
- 12 cuốn mới
- 7 cuốn đọc lại
Oxford yêu thương - Dương Thụy
Tôi tự học - Nguyễn Duy Cần
Tôi tài giỏi, bạn cũng thế - Adam Khoo (đọc lại)
Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu - Rosie Nguyễn (đọc lại)
Tôi muốn cuộc đời như tôi muốn - Varun Agarwal 
Điểm dối lừa - Dan Brown (đọc lại)
Biểu tượng thất truyền - Dan Brown 
Mắt Biếc - Nguyễn Nhật Ánh (đọc lại) 
Totto-chan bên cửa sổ (đọc lại)
Độc giả thứ bảy - Lôi Mễ
Đề thi đẫm máu - Lôi Mễ
Cuồng vọng phi nhân tính - Lôi Mễ
Giáo hóa trường - Lôi Mễ
Sông ngầm - Lôi Mễ
Ánh sáng thành phố - Lôi Mễ
Vài lời ngỏ với bạn trẻ
Bí mật tư duy triệu phú - Harv Eker
Cà phê cùng Tony - Tony buổi sáng (đọc lại)
Trên đường băng - Tony buổi sáng (đọc lại)
=> 15 cuốn / năm
=> Đa dạng hơn các thể loại
8. Du lịch nước ngoài 1 lần trong năm: SUCCESS
- Đón năm mới cùng gia đình ở Hà Lan.
=> Về Việt Nam.
9. Sắm một món đồ công nghệ mới: SUCCESS
- Máy đọc sách Kindle.
=> Một món của Apple bằng tiền tiết kiệm.
10. Hạn chế giải trí không lành mạnh: 50/50
- Không dùng laptop để chơi game.
=> Hạn chế game mobile
=> Hạn chế xem game youtube. 
11. Luyện một thói quen mới: FAIL 
- Không viết nhật ký mỗi ngày. 
- Không tập thể dục mỗi ngày. 
KẾT LUẬN: SUCCESS 7 - FAIL 4
+ Luyện thói quen tốt.
+ Tiếp tục học hỏi và tăng cường trải nghiệm.

2 nhận xét:

kelly.blogspot.com nói...

Cảm ơn bạn đã chia sẻ những ngày dịch covid ở Pary, nới cuộc sống rất đắt đỏ, khi bạn chỉ có một mình. Bạn đã nêu một tấm gương vượt qua khó khăn, rất đáng trân trọng và học hoi1

Mèo lang thang ngày mưa nói...

Cảm ơn bạn, ở đâu thì chúng ta cũng cần cố gắng và mạnh mẽ mà, mình thích câu nói cuộc sống vốn là bể khổ để chúng sinh phải trầm luôn mà vượt qua :) đùa vậy thôi, ý chí con người mạnh mẽ lắm, không gì là không được mà bạn nhỉ