Thứ Hai, 18 tháng 1, 2021

[Góc lang thang tâm lý - chia sẻ bình an] Lắng nghe chính mình

Cách để lắng nghe chính bản thân mình, một chủ đề khá hay để phát triển bản thân và kết nối với tinh thần bản thể mà vô tình mình biết được khi anh Trí được đề cử WeChoice và lúc này mình mới phát hiện ra, anh là tác giả của rất nhiều dự án mà mình biết. Mình thực sự khâm phục cách nghĩ và cách làm của anh, cá nhân mình vẫn chỉ là một người đang trên con đường tìm kiếm và phát triển bản thân, nên mình quyết định ghi chép lại những chia sẻ ấy với những trải nghiệm của bản thân như một học viên.

Mình tin, nếu bài viết này hay video này vô tình đến được với bạn, thì nó thực sự sẽ rất có ích cho mỗi người để phát triển bản thân. 

Thứ nhất: Dành thời gian cho chính bản thân. 

Nói nghe rất dễ nhưng thực ra lại rất khó đó! Thử nghĩ lại xem, lần gần đây nhất, bạn nghĩ về chính bản thân mình với những vấn đề của cá nhân là lúc nào? 

Vòng xoay của cuộc sống, guồng quay mà bạn đang đi, đang bộn bề thường khiến ta không có thời gian và sức mạnh đủ để thảnh thơi nghĩ về chính bản thân mình. 

Sáng dậy lo ăn uống, mặc gì cho đẹp, đi lúc nào cho không trễ, đi làm lo làm, nghỉ ăn trưa lo nói chuyện với đồng nghiệp, sau giờ làm lo đi chơi, đi giải tỏa, đi kết nối, ăn tối nếu có bạn thì vui vẻ nói chuyện tiếp, nếu cô đơn thì vừa ăn vừa xem clip, lướt mạng xã hội, trả lời vài câu hỏi của người thân, bình luận vài status mới của bạn bè, like vài thứ hay ho, đôi khi đến tận lúc đánh răng rửa mặt dưỡng da xong rồi bạn vẫn còn đang bận rộn trên mạng xã hội. Hôm nào nhiều việc không buôn chuyện được thì hiển nhiên tối đó bạn cũng bận rộn làm việc rồi. Xong đến giờ thì đi ngủ mai dậy, cuối tuần thì hẹn đi cafe cà pháo, đi phượt đi chơi.... 

Câu chuyện trên có quen thuộc với bạn không? 

Chúng ta thực sự rất bận, quá bận đi! 

Đó là lí do ta chẳng thể dành thời gian cho chính mình.

Hay do ta không muốn? Hay do ta đang bộn bề với chính mình nên không thể thu xếp ngăn nắp được cho cuộc đời mình? 

Điều gì ngăn cản ta hiểu chính mình và yêu thương chính bản thân?

Bạn có sợ hãi khi phải đối diện với những yếu đuối, những tổn thương của chính mình?

Lí do thiền là một cách chữa lành vì bạn dành thời gian quán chiếu bản thân. 

Nhưng bạn không cần phải thiền, hay chánh niệm thực sự, mà chỉ cần thực hành, mỗi ngày dành thời gian một vài phút, nghĩ về bản thân mình, mình đang cảm thấy như thế nào, mình đang mong muốn gì, mình đang làm gì. Nếu có thể, bạn có thể phân tích sâu hơn, điều gì khiến mình như vậy, mình có thể làm những gì, có những con đường định hướng nào để đi,..... 

Lắng nghe: lắng lại và nghe ngóng. 

Thứ hai, nhận ra, gọi tên và giải tỏa. 

Có rất nhiều cách để phóng chiếu suy nghĩ, cảm xúc của bản thân, qua âm nhạc, qua tranh vẽ, qua phim ảnh, ẩm thực, thể thao, viết lách... để kết nối với chính mình. 

Mỗi người có một cách khác nhau để lắng nghe phù hợp với bản thân và thoải mái nhất. Nhưng thứ duy nhất bạn cần là phải chủ động làm và không làm nó một cách hỗn độn không ý nghĩa. 

Đối với mình cũng là viết lách, thực sự mình viết khá nhiều, nhưng ban đầu mình cũng mắc phải những vấn đề như phần đông, đó là viết hổ lốn, viết để giải tỏa nên mình viết về những u uất, tiêu cực, viết theo mạch cảm xúc nên rất phóng đại, khoa trương, vô nghĩa. 

Vậy viết, làm để lắng nghe thì ta phải lắng nghe những gì? 

Nhìn chung có 3 điều phải lưu ý khi lắng nghe: đó là lắng nghe cảm xúc, nhận thức và ước mơ (hay còn gọi là động lực đến từ bên trong)

Một bài viết khá hay về Journaling (ghi chép cá nhân) của chị Chi Nguyễn mà chúng ta cũng có thể thử thực hành: Viết để giải tỏa (link) , Tư duy tích cực (link)

- Cảm xúc: 

Lắng nghe cảm xúc với 2 nguyên tắc: chấp nhận và thấu hiểu. 

Chấp nhận những cảm xúc tiêu cực của bản thân, không đè nén, không trốn tránh, không phủ nhận. Đây là điều khó nhất của bước ban đầu. Sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, để  xem phim, lướt mạng thay vì nghĩ về những cảm xúc đau khổ của bản thân, sẽ dễ dàng hơn để phủ nhận là mình kém cỏi thay vì thú nhận là mình có những tổn thương,.... 

Việc bỏ mặc, đè nén những cảm xúc tiêu cực cũng là vì ta chưa thấu hiểu được.  

Chấp nhận rằng mình có những lúc nóng giận, những lúc bi kịch hóa sự việc,.... vì chúng ta là con người, con người không ai hoàn hảo cả, ai cũng có những vấn đề cá nhân, giống như cuộc sống cá nhân, đạo đức, phẩm hạnh và khả năng không bao giờ lúc nào cũng phải tương xứng và đi liền với nhau.

Chấp nhận rằng những lúc cảm xúc dâng trào ta dễ suy nghĩ và hành động ngu ngốc, vì bản chất của cảm xúc là chất kích thích, cảm xúc cuồn cuộn trong lòng sẽ dễ dàng bị phóng đại lên hay làm méo mó đi nhận thức, ta dễ dàng trôi theo dòng cảm xúc ấy, chìm trong đó mà không thoát ra được. 

Chấp nhận rằng nỗi buồn không xấu, rằng đằng sau nỗi buồn là sự sâu sắc, sự đồng cảm, sự thấu hiểu, sự sẻ chia, sự trưởng thành.... 

Tôn trọng và thấu hiểu cảm xúc là chìa khóa của vấn đề, giây phút bạn nhận ra được điều này, thực sự thay đổi từ sâu bên trong bạn sẽ diễn ra. Đừng để những cảm xúc của bản thân, hay chính bản thân mình bị phán xét bởi những nguyên mẫu, những so sánh. Trên đời này chỉ có luật pháp và điều lệ đạo đức phán xét con người, nhưng nó cũng thay đổi ở từng quốc gia và luôn có những khoảng trống của tình, ở mỗi người phán xử. Không có gì là mãi mãi và bất biến cả. 

Chốt lại là, chỉ cần có tâm thế lắng nghe, bạn sẽ dần dần thấu hiểu mình, kết nối được với mặt tinh thần của bản thân, từ đó bạn sẽ mạnh mẽ hơn trong nội tâm để đưa ra những quyết định, những hành động phù hợp. 

- Nhận thức mới mẻ 

Việc lắng nghe những cảm xúc khiến tâm bạn bình an hơn và mạnh mẽ hơn. Tiếp theo đó, lắng nghe những nhận thức mới mẻ đến với mình, mà người ta hay ví von là sự "giác ngộ", "mặt trời chân lí bừng sáng trong tim", đó là nền tảng của sự trưởng thành, của những thay đổi sâu sắc và lâu dài. 

Mình cũng nhớ có rất nhiều khoảnh khắc làm thay đổi cuộc đời mình. 

Khoảnh khắc mình nhận ra về bản thân mình, là một người hướng nội có sức mạnh như thế nào qua cuốn Quite của Susan, mình nhận ra mình không muốn chối bỏ bản thân nữa mà có sức mạnh để biến những yếu điểm thành lợi thế và phát huy những điểm mạnh.

Gần đây nhất là khoảnh khắc mình nhận ra mình không yêu thương bản thân, mình sử dụng tình yêu có điều kiện với chính con người của mình, như một cú đánh tát vào mặt luôn. Chính giây phút đó, mình mới có thể thừa nhận là mình không yêu bản thân, và chính giây phút mình thừa nhận ấy, mình lại bắt đầu có thể yêu thương và tha thứ cho chính mình thay vì những lời nói xuông.

Không chỉ có những nhận thức về bản thân làm mình thay đổi, mà nhận thức về cuộc đời và những người xung quanh cũng làm mình thực sự thay đổi mãi về sau. 

Một người là bác sĩ thần kinh, không phải là thầy giáo của mình nhưng đã từng nói rất nhẹ nhàng, rằng không có gì là mãi mãi. Cố chấp và chấp niệm chỉ làm ta đau khổ, buông bỏ và mất mát là lẽ thường tình. Một người bạn của mình từng nói, hình như tất cả mọi thứ đều bắt nguồn từ nỗi sợ của mất đi, sợ cái chết, sợ chia li, sợ thất bại, sợ điểm kém, sợ bị đánh giá, sợ chia tay, ..... Một người chị từng hỏi, em có nhận ra em kì vọng chứ không hề hi vọng không, khoảnh khắc một người anh nói, mày ích kỉ lắm,..... mình như đứng hình, hóa ra kì vọng và hi vọng khác nhau, hóa ra điều mình tưởng rằng mình làm vì họ lại là để thỏa mãn cái cá nhân mình, thỏa mãn những nhận thức, những ước muốn, những tiêu chuẩn của chính bạn chứ không phải họ. Khoảnh khắc biết thì ra là nỗi sợ ấy, mình toát mồ hôi vì sợ, nhưng đồng thời hiểu rằng, mình có thể chấp nhận nỗi sợ ấy thì mình có thể đối mặt với nó được!

Những điều mình kể ra, thực sự tác động với người nghe không thể nào bằng việc các bạn tự mình trải qua, tự mình chiêm nghiệm. Khoảnh khắc ở trong sự kiện ấy mới thực sự chính bạn cảm nhận được ý nghĩa của sự việc. 

Nhận thức: Nhận ra và thức tỉnh. 

- Ước mơ :

Ai cũng có những ước mơ, những mộng ước của bản thân, lắng nghe ước mơ của bản thân mình, bạn hãy vẽ ra, nói về nó, mô tả nó một cách chân thật nhất có thể! 

Khoảnh khắc bạn dám mơ ước và dám thừa nhận giấc mơ ấy của mình, không sợ chê cười, không sợ đánh giá, không sợ không đủ khả năng, đó là sự lắng nghe chính mình thành tâm. 

Người ta nói rằng, ai đánh thuế giấc mơ, hãy cứ mơ đi.

Bản thân ước mơ là ánh sáng dẫn đường, kim chỉ nam cho cuộc đời bạn. Bạn có thể sẽ loay hoay trong nhiều việc vô bổ hay trong những nghĩa vụ hoặc những đường vòng, làm sao để không mờ mịt, không bối rối không biết mình đi về đâu? 

Đó chính là khi bạn nghĩ về lí do bạn bắt đầu và ước muốn của bản thân.

Như câu nói rất nổi tiếng của Nhà giả kim, khi bạn muốn cả vũ trụ sẽ hợp sức lại giúp bạn. 

Ước mơ giúp cho bạn câu trả lời. Bạn nên dừng lại ở cuộc sống an nhàn bên vợ đẹp hay tiếp tục đi tìm kho báu liều lĩnh một cách vô nghĩa như cậu bé chăn cừu trong Nhà giả kim? Bạn nên vui vẻ ở Trái Đất với con cáo hay trở về hành tinh của mình với bông hồng như Hoàng tử bé? 

Có thể ước mơ của bạn sẽ thay đổi, có thể phải 5, 10, 15 năm sau nó mới thành sự thật, vậy thì có sao, đó vẫn là ánh sáng, là thứ nuôi dưỡng, là động lực để bạn bước tiếp. 

Năm mình mới tốt nghiệp, mình có viết một bức thư gửi cho tuổi 25, bài viết sau cũng vào top đọc trong blog và cũng được trích dẫn ở vài nơi nếu tìm trên google :)) lúc đó dù mình tốt nghiệp, á khoa và là thủ khoa chuyên ngành, nhưng mình vẫn rất tự ti, mình không tin vào khả năng của bản thân, mình cũng chưa va chạm với đời. Không đủ mạnh mẽ và giỏi giang, nhưng mình vẫn viết những ước mơ của bản thân, nó giống như những nguyện vọng, mà mình biết không thành sự thực vì mình không làm được cũng không biết làm sao để làm. "Tôi muốn học lớp yoga, học đàn, học làm bánh, học vẽ, tôi muốn viết những tác phẩm đầu tiên của mình, tôi muốn xăm một hình nho nhỏ.... tôi muốn 1 mình đi chơi, tôi muốn bắt xe bus hoặc tàu điện ngầm đến một vùng xa lạ như núi cao hoặc biển....." . Sau này chính bản thân mình cũng quên luôn,  lúc đọc lại chính mình cũng ngạc nhiên. Thì ra mình từng ước mơ vậy cơ đó,  thì ra những gì mình muốn cuối cùng mình cũng đã làm, thì ra là vậy! 

Đó cũng là khoảnh khắc nhận thức mình nhận ra, những điều bạn mong ước rồi sẽ đến! 

Sống không hi vọng, không ước mơ, chẳng lẽ bạn chỉ định tạm bợ ngày qua ngày? 

Dũng cảm mơ ước, bạn sẽ dám hành động!

Thứ ba, lắng nghe những điều mới mẻ ở bên ngoài bản thân mình 

Tại sao để hiểu chính bản thân mình, bạn lại cần tìm kiếm những thứ ở bên ngoài? 

Thực ra, đơn giản lắm, vì những thứ bạn không biết, không hiểu thì bạn không thể nào tự nhận thức ra được là à mình thiếu cái này, mình chưa hiểu điều kia. Vì thậm chí bạn còn không biết về nó cơ mà, bạn còn không hiểu khái niệm đó để mà nó thuộc về bạn, nằm trong nội hàm của bạn được. 

Vì vậy, hãy cho bản thân cơ hội được tiếp xúc với những kích thích mới mẻ của cuộc sống, va chạm, được trải nghiệm, được tìm kiếm những khái niệm mới mẻ, những nhận thức mới mẻ mà mình chưa từng có. 

Đó cũng là lí do có câu nói, chuyện gì xảy ra cũng có lí do của nó. Những điều xảy đến với ta, những người ta gặp đều mang một ý nghĩa nào đó. Đừng coi thường bất cứ điều gì xung quanh ta, những sự kiện, những con người đến với ta đều mang cho ta một bài học, một ý nghĩa. 

Giá trị của sự trải nghiệm nằm ở chính việc bạn tiếp xúc với sự kiện sự việc đó. 

Khoảnh khắc mình nhận thức được sự khác biệt giữa thông thái và trải nghiệm là nhờ câu thoại trong Good Will Hunting, cũng là khoảnh khắc nhận thức làm thay đổi cuộc đời mình. Cái giá trị của sự thông thái là bạn biết, bạn hiểu nhưng bạn không cảm thấy điều đó. Chỉ chính khi bạn trải nghiệm, bạn mới biết những cảm xúc thực sự là gì, những khoảnh khắc có ý nghĩa như thế nào. 

Đi để trở về, đó là sự trở về với chính bản thể của bản thân, với thế giới bên trong của mình. 

Nhà phê bình James Higgins từng nói đại ý về giá trị của thay đổi đến từ khao khát thám hiểm (khám phá thế giới bên ngoài) và thấu hiểu nội quan (khám phá bản thân mình). Điều đó vẫn luôn đúng với mỗi con người chúng ta. 


Không có nhận xét nào: