Mình định bắt đầu viết từ những ngày còn ở Việt Nam, vậy mà giờ ở trên đất Pháp, vật lộn nhẹ với những ngày đầu xong, mình mới bắt đầu được những con chữ đầu tiên. Không biết thời gian vậy là qua nhanh hay chậm nữa :)
Điều đầu tiên mình phải nói là, giờ đây, ra nước ngoài sống hay học hay làm việc không còn là điều xa lạ nữa, tất nhiên sẽ có nhiều khó khăn trong lựa chọn và chuẩn bị, nhưng cuối cùng, việc du lịch hay sống ở nước ngoài, là một điều không còn giàu có mới làm được, đặc biệt ở các thành phố lớn, kể cả khi bạn không giàu (kể cả nghèo, cũng rất nhiều gia đình vay tiền để con cái đi làm, đi học, dành dụm để đi chơi du lịch), kể cả khi bạn không biết ngoại ngữ ( có những cộng đồng, người bảo lãnh, và dịch vụ, trung tâm chăm lo cho những cô bé cậu bé ở nước khác). Nhìn chung, mình nghĩ, đi hay ở quê hương, giờ chỉ còn là lựa chọn mà thôi, có đáng không, có nên không, có đúng không...vv....
Và quay về vấn đề lựa chọn, mình cũng tự hỏi, mình có nên làm vậy không, câu hỏi rất nhiều lần, thậm chí cho đến khi có kết quả visa, mình vẫn phân vân như vậy, vì mình hiểu cuộc sống không dễ dàng khi bắt đầu lại, ở một nơi mình không là gì cả, với những trở ngại ngôn ngữ, văn hóa, tiền bạc và cũng như việc mình phải từ bỏ những thứ mình đang có, mình đang sở hữu ở Việt Nam. Giờ đây, mình nghĩ, mình có 1 câu trả lời đầy đủ hơn để viết về những trải nghiệm của mình.
TẠI SAO NÊN SỐNG Ở NƯỚC NGOÀI
Mình muốn bắt đầu về việc nên, dù chúng ta ra nước ngoài, bắt đầu ở điểm xuất phát nào, đi học hay đi làm, đi trao đổi hay đi tình nguyện, yêu hay ghét nơi khác, hoàn nhập được hay không, thành công hay thất bại.... ít nhất, một lần thử trải nghiệm, để không nuối tiếc, để biết mình và biết về thế giới, để gặp gỡ những người mới, thậm chí để trưởng thành và phát triển hơn. "Tha hương" càng là lúc ta hiểu về bản thân và điều ta muốn, điều ta cần và giá trị của quê hương, con người.
1. Trải nghiệm duy nhất
Có câu nói rằng, năm 15 tuổi tôi thích một con búp bê, bố mẹ nói hãy đợi khi có tiền để mua, đến năm 25 tuổi khi tôi có tiền để mua rồi, thì tôi lại không còn thích búp bê nữa. Mãi mãi, tôi không biết được cảm giác có được con búp bê khi ấy là như nào.
Việc sống ở nước ngoài, cũng là trải nghiệm duy nhất ấy, với thời gian duy nhất ấy, với những con người ở chính khoảnh khắc ấy, với những cảm xúc thăng trầm, mất mát, hạnh phúc..... Bạn sẽ phải "open" nhất có thể, để có thể hiểu, hòa mình vào một môi trường mới, có những lúc bạn sẽ thấy bất lực, mệt mỏi, nhớ nhà.... Đó là CẢM XÚC, là TRẢI NGHIỆM, mà mỗi người một khác, có thể may mắn bạn sẽ có được niềm vui đi từ zero đến đỉnh dốc, có thể bạn sẽ có trải nghiệm đi từ núi ra biển, từ biệt thự sang căn hộ..... tất cả, đều là điều bạn có thể trải qua, có được, mà không ai biết trước được.
Tất nhiên, bạn sẽ "mặn hơn", sinh động hơn, với đống trải nghiệm bạn thu thập được qua mỗi chặng đường rồi.
2. Trưởng thành hơn, độc lập hơn
Mình muốn nói rằng, độc lập thường đi với trưởng thành, đó là lí do, nếu chú chim không tự bay, chú sẽ mãi không bay được.
Sống ở một nước khác, ngôn ngữ khác, văn hóa khác, thể chế khác, bắt buộc chúng ta phải tìm hiểu, phải học rất nhiều, dù chúng ta sống ở một cộng đồng người Việt hay tự lập, có những liên kết tinh thần và tài chính, sẽ đều phải có những lúc, ta phải tự mình, thậm chí nhiều khi, chính ta phải tự bơi chứ không thể trông mong ai đó sẽ đẩy, sẽ giúp, sẽ cung cấp mọi thứ từ A- Z. Ta buộc phải sống có trách nhiệm và trưởng thành hơn, để sinh tồn, để bớt ngu ngơ :)
Bản thân mình, từ cấp 3 lên học đại học, mình cũng học được nhiều điều, thậm chí ăn uống dễ tính hơn, dễ cảm thông và tha thứ cho người khác hơn rất nhiều. Nhưng việc quăng mình vào môi trường mới, mức độ trưởng thành càng cao hơn, đặc biệt khi mỗi chúng ta có cuộc sống riêng, công việc riêng, và chúng ta không còn trẻ con để tự cho mình những đặc quyền không biết nữa. Muốn sống được ở đất nước khác, bạn buộc phải tìm hiểu về các thủ tục hành chính, những thứ cần chuẩn bị, muốn ăn uống được, bạn buộc phải tự nấu ăn, tự tìm nơi đi chợ, tự đi chợ, tự tính toán, không ít nhất, bạn phải tìm được cặp để hưởng sái, và hoà nhập được những món ăn lạ, muốn đi chơi, bạn cũng buộc phải tìm hiểu về địa điểm, phương tiện đi lại, giao tiếp... Nhìn chung, sẽ có cả tá công việc, và mỗi cái đều khó, và tất nhiên, qua những cái khó, khi nhìn lại, bạn mới thấy được mình đã đi một con đường dài như thế nào.
Không chỉ học thêm được những kiến thức, đặc biệt là ngoại ngữ, bạn còn học thêm được cách nhìn khác, cách sống khác, cởi mở với mỗi người gặp để không cảm thấy lạc lõng, buồn chán, không ngại đặt câu hỏi để không phải tự vật lộn và tốn hàng tá thời gian, không ngại thử những cái mới, để không phải sợ hãi mỗi khi đối mặt và biết được nó thích hợp hay không, không ngại thẳng thắn để không có những hiểu nhầm, những suy nghĩ trong đầu mãi không giải quyết được..... Và bản thân, một góc nhìn mới, cùng với việc ở cạnh những người có góc nhìn khác, bạn sẽ có một tư duy phản biện tốt hơn rất nhiều
3. Hiểu bản thân mình hơn, hiểu và yêu người khác hơn.
"Tha hương" cũng giống như một khoảng lặng, cách xa gia đình, quê hương, để đầu tiên, bạn hiểu ý nghĩa của gia đình và quê nhà. Những câu kêu ca mỗi khi mình hỏi, bạn bè mình sẽ luôn nói là nhớ đồ ăn Việt Nam, thèm nắng Hà Nội, thèm nghe giọng Việt.... Đó là điều TẤT YẾU, là BÌNH THƯỜNG nhất quả đất luôn ấy. Cãi nhau, ganh ghét, mâu thuẫn, ghét bỏ..... tất cả không phải bị lãng quên, mà là có cái nhìn khác, khoảng lặng để hiểu và để biết, thực sự bạn vẫn yêu hay vẫn ghét một nơi nào đó, một con người nào đó hay không. Mình thực sự vẫn nhớ giai đoạn mình vật lộn tìm thông tin chuyến bay không quá đắt, có bạn để chia sẻ, có người để hỏi, và có anh trai giúp, ít nhất, lúc đó mình cảm thấy được chia sẻ rất nhiều, và sau đó, mình cảm thấy biết ơn hơn, vì mình không cô đơn khi có người hiểu mình cần gì. Mình vẫn yêu họ :)) dù họ có làm điều này điều kia cho mình không, nhưng cảm giác được yêu và được hiểu, vẫn là vui hơn rất nhiều.
Và quan trọng nhất, tất yếu nhất, vẫn là những giá trị bạn nhận được cho chính bản thân bạn. Bạn sẽ thực sự hiểu chính bạn hơn, nếu bạn chấp nhận thời gian để ngẫm lại, mình có hợp với thứ này không, mình có muốn làm điều này không, mình có khả năng gì, mình đang thiếu gì, mình cần gì..... Chính những trải nghiệm bạn có, sẽ đưa cho bạn câu trả lời, bạn là ai, bạn muốn gì.
NHỮNG KHÓ KHĂN PHẢI ĐỐI MẶT
1. Thay đổi các mối quan hệ
Đầu tiên, việc làm quen với các mối quan hệ mới là điều tất yếu sẽ xảy ra, bạn buộc phải hòa nhập, và điều đó tất nhiên không dễ, để có thể tìm được một người bạn thực sự ở đất nước khác, tất nhiên, bạn chơi và bạn công việc thì sẽ rất ok, nhưng người thực sự tri kỉ để lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành thì không dễ. Vậy đó, kết bạn đã khó, tìm bạn thực sự còn khó nữa.
Thứ hai, các mối quan hệ cũ, tất nhiên bị gián đoạn, dù bạn có thường xuyên tìm cách duy trì đến đâu, cũng như yêu xa vậy, khoảng cách và sự "không tham gia" trong các sự kiện của người kia, tất yếu đưa chúng ta đi xa nhau, mà đặc biệt, chúng ta sẽ vắng mặt, trong phần lớn các mối quan hệ xưa, trong phần lớn cuộc sống bạn bè, gia đình, đồng nghiệp. Cảm giác bạn một mình một chiến tuyến, một nơi xa, thật sự cô đơn và lạc lõng. Và hơn nữa, mức độ cô đơn còn cao hơn nữa, khi những người khác không hiểu những khó khăn bạn phải trải qua, không biết con đường bạn đi để ủng hộ hay giúp đỡ, hay động viên, hay thấu hiểu. Mình đã phải trải qua những điều ấy, không chỉ việc mọi người không hiểu những cảm xúc, những lựa chọn của mình, mà cả với những khó khăn khi chuẩn bị và khi đi, khi sống, mình cũng không chia sẻ được, rất rất ít người có thể hiểu, đa phần đều là những người đã, đang sống ở nước ngoài mới biết những điều mình chưa biết để chia sẻ. Mình thậm chí nhớ rất rõ, ban đầu mình phải tự chuẩn bị đồ đạc đi, mình vật lộn mày mò dù đã hỏi những người khác, tìm thông tin, ngược xuôi đi mua đồ này đồ kia, cảm giác mình phải tự làm tất mà không ai giúp, mọi người vẫn mải vui mải bận, và sự chia sẻ với mình chỉ đến ở việc vui thế này, chia tay thế kia, ăn uống, đi chơi.... trong khi mình vẫn đang phải một mình tính toán xem, mang này đi, mang kia đi, đủ tiền không, đủ sống không. Và tất nhiên, mình không thể trách được sự vô tâm hay hờ hững gì cả, vì bản thân mình hiểu rất rõ, đó là điều bình thường.
Cuối cùng, đánh mất các mối quan hệ :) điều dễ xảy ra nhất quả đất là đây, các mối quan hệ không có ý nghĩa, các mối quan hệ không thân thiết, các mối quan hệ hờ hững..... tất cả bị lãng quên và mất đi. Đó là điều tất yếu, ngay cả với những mối quan hệ tưởng thân, tưởng có ý nghĩa, hóa ra lại không phải vậy. Và trong công việc, các mối quan hệ không chờ đợi bạn, những cơ hội, những thứ đang có...vv.... tất cả đều không còn cho bạn nữa. Bản thân mình, sau khi ra trường một năm, mình cũng có những người muốn làm việc cùng, những mối quan hệ muốn gắn kết, và mình thực sự hiểu câu cơ hội chỉ có khi đó, mình thậm chí thấy nuối tiếc khi phải từ bỏ những điều mình muốn, sau đó là từ bỏ những điều có ý nghĩa với mình, nhưng cuối cùng, mình vẫn quyết định lên máy bay và đi thôi. Suy cho cùng, cuộc sống vẫn là những lựa chọn và sự đánh đổi.
2. Những khó khăn tâm lý
Điều tưởng chừng xa lạ, nhưng thực sự lại xảy ra hàng ngày với bất cứ những người xa xứ nào. Những khó khăn tất yếu về việc phải tìm hiểu và hòa nhập luôn xảy ra, với tất cả mọi người không ngoại trừ ai, và thêm vào đó, sự thay đổi các mối quan hệ, cảm giác cô đơn, cảm giác lạc lõng dù ở một nơi đông đúc, một cộng đồng quen thuộc, vẫn có thể diễn ra. Vào những khoảnh khắc đặc biệt luôn luôn có thể xảy ra, mất trộm, thiếu tiền, mất việc, phải chuyển nhà, tham gia một sự kiện quan trọng...... và bạn bối rối, bất lực, không chia sẻ được, không biết làm gì..... Tất cả, như tỉ tỉ giọt nước nhưng nếu cốc nước của bạn đã đầy, nước sẽ vẫn tràn ly, và bạn thấy mệt mỏi, tan vỡ, gục nát.... Khoảng thời gian mình thực tập ở bệnh viện tâm thần, mình thậm chí gặp những người giỏi (giỏi hơn mình nhiều nhiều), nhưng họ mệt mỏi đến nhường nào, và buồn đến làm sao. Mình đã cảm thấy buồn theo, nếu thực sự cuộc sống xa hương trả giá đắt đến vậy, mình ước điều khác đã xảy ra, dù có thể, ở Việt Nam, những điều ấy vẫn xảy ra, nên thực ra thì cũng không biết được, vì chữ "giá như"" là không có thật rồi.
Những khó khăn tâm lý nói chung chồng chất như vậy, nhưng điểm dần dần từng khó khăn một thì cũng thực sự lớn, và mình nghĩ, mỗi người khi lựa chọn cho mình hay cho con cái sống ở nước ngoài thực sự cần cân nhắc, không ai muốn khi ra đi khỏe mạnh và khi về lại còn tồi tệ hơn trước.
Thứ nhất, áp lực. Áp lực luôn luôn đến khi bạn lựa chọn sống xa nhà, đặc biệt là sống xa môi trường quen thuộc và ở môi trường mới xa hoa hơn. Áp lực không chỉ đến từ khi quyết định đi, khi chuẩn bị, khi tới nơi, khi gặp áp lực hòa nhập, kiếm tiền để sống và theo kịp nhịp sống. Áp lực còn đến từ việc nếu bạn không sống tốt, mọi người ở quê nhà sẽ lo lắng cho bạn, bạn không tốt thì ảnh hưởng tới hình ảnh của con người, đất nước Việt Nam trong mắt người nước ngoài, bạn quá không tốt thì cộng đồng người Việt ở nơi bạn sống lại không mở lòng chào đón bạn. Những áp lực đó, như mình đã nói, rất khó để chia sẻ, bạn muốn chia sẻ với người nhà nhưng lại sợ mọi người lo lắng và không hiểu được, với bạn bè thì nếu không cùng môi trường hoặc không đã từng có trải nghiệm tương tự, những lời bạn nói ra đôi khi lại cứ khập khiễng với họ ở lúc đó, với người xa lạ thì ai cũng bận rộn, ai có thể dành thời gian cho bạn cơ chứ? Và quan trọng nhất, đó chính là áp lực đến từ chính bản thân chúng ta, áp lực phải sống tốt, phải thành công, phải vươn lên.... vì "giấc mộng Mỹ" là có thật. Đáng sợ nhất, quả thực vẫn là chính ta ép buộc ta.
Thứ hai, không hòa nhập được. Đây là điều tất yếu trong thời gian đầu, có người nhanh thì vài ngày, người lâu thì vài tuần, vài tháng. Đầu tiên là vì trở ngại ngôn ngữ, bạn khó nắm bắt để hòa nhập, sau đó khi bạn có ngôn ngữ hơn, thì lại là trở ngại về văn hóa, bạn không có vốn sống và trải nghiệm văn hóa xã hội để thích ứng. Có người lựa chọn chỉ kết bạn với người nước ngoài, có người lựa chọn tìm đến cộng đồng người Việt, và mình thấy có khá nhiều lời khuyên thế này, thế kia, nhưng với mình, cân bằng là tốt, bạn nào cũng đều tốt, dù họ là âu hay á hay phi.
Thứ ba, lo âu. Việc bắt đầu cuộc sống ở môi trường mới khiến cho bạn lo lắng là điều dễ hiểu, lo lắng mỗi khi ra đường có giao tiếp được để sống tốt không, có theo kịp công việc hay học tập không, có bị lừa không,.... Mình tin với nhiều người, mỗi sáng dậy, cần nhiều động lực hơn để bước xuống giường bắt đầu ngày mới.
Thứ tư, tự ti, khép kín. Việc ngôn ngữ, vốn sống, vốn kinh tế, văn hóa, xã hội..... đôi khi khiến bạn thấy mình không bằng người khác. Chính việc mở rộng tầm mắt tiếp xúc với những đất nước có nền kinh tế tốt hơn, hoặc phát triển hơn, khiến bạn có góc nhìn khác, biết được mình ở xuất phát điểm như nào....vv, nếu bạn khách quan thì đó sẽ là lợi thế, nhưng nếu bạn mang trong mình tâm thế khép kín, bạn sẽ ngại giao tiếp, ngại hỏi, ngại ra ngoài, ngại gặp gỡ.....
Thứ năm, cô đơn, đó là cảm giác thực sự của cô đơn khi đứng giữa vạn người. Bạn giống như là hòn đá không thuộc về dòng nước đang xuôi dòng ở nơi xa xứ, nhưng đồng thời, bạn cũng không là hòn đá thuộc về nơi bạn đã từng thuộc về nữa, đó giống như là bạn vừa không hòa vào nơi bạn đang ở, trong khi bạn luôn biết những dòng chảy nơi có môi trường sống của bạn nhưng lại cũng không thể hòa vào nó được nữa. Có những đêm, mình on facebook và thấy số người đang on cùng là những người bạn mình ở nơi xứ lạ, cảm giác thật lạ, nó cũng giống như, trên dòng trạng thái, chỉ có đúng những cái tên đó, nhưng bạn chỉ nhìn vậy thôi và rồi dời đi, vì nó giống như là sự cô đơn của cá nhân, sự trống vắng, dù có ở bên nhau, nhưng khi chính bản thân ta hay họ thấy cô đơn, đó không thể là sự bù đắp được.
Thứ sáu, chưa sẵn sàng. Mình dành mục cuối này cho các bạn trẻ, những bạn rất trẻ, chưa sẵn sàng cho một cuộc sống tự lập ở một đất nước xa lạ, các bạn có thể là con lai, gia đình có người sang nước ngoài làm việc, hay rất nhiều cha mẹ, mong muốn con cái có môi trường giáo dục tốt, sớm hòa nhập nên từ cấp 2, cấp 3 các bạn trẻ đã được gửi đi du học. Thực sự, với tâm thế chưa sẵn sàng, nhân cách còn chưa định hình, thậm chí các em còn đang có bạn bè, gia đình, các mối quan tâm quan hệ ở nhà, có quá nhiều điều níu kéo và tiếc nuối, đồng thời nếu ngoại ngữ không tốt, kỹ năng hòa nhập không có, các em đều gặp rất nhiều khó khăn. Mình không phản đối việc cho các em đi học ở nước ngoài, nhưng cần quan tâm đến chính cảm xúc của các em, mong muốn gì và đã được chuẩn bị gì.
Để kết lại thì đoạn đường nào cũng có khó khăn, trở ngại, chính điều đó khiến ta trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn, tự lập hơn. Vậy nên "lửa thử vàng, gian nan thử sức", ngại khó ngại khổ đâu có được :)).
P.s:
Nếu câu chuyện mình viết may mắn đến được với bạn, chạm vào một phần nào đó cảm xúc của bạn, hãy cùng chia sẻ trải nghiệm của bạn nhé. Xa xứ, các bạn đang nghĩ tới điều gì?
Ngoài ra, mình nhận trợ giúp tâm lý cho các bạn trẻ (thanh niên, vị thành niên) đang gặp khó khăn như mình đã nói, các bạn nếu cần giúp đỡ và lắng nghe có thể liên hệ mình ^^. Mình chẳng hứa sẽ sang giàu cùng các bạn, chỉ hứa sẽ ở bên dài lâu :.)
Sáng thứ hai, mùa đông đầu tiên trên đất Pháp đã đến, và là trung thu ở Việt Nam. Đến giờ, mình cũng không nghĩ mình đã bắt đầu cuộc sống với sự thay đổi lớn đến vậy. Đôi khi, mình cũng không nghĩ, mình đã đi xa đến vậy, để lại bắt đầu.
Ngày cách Việt Nam 12 tiếng bay.
-------
Chào bạn, sau bài viết mấy năm trước, quả thực giờ mình đã trưởng thành hơn rất nhiều, nếu bạn theo dõi mình và những câu chuyện mình viết, thì chắc bạn cũng nhận ra rồi. Có những khó khăn và cả những niềm vui, hạnh phúc, mà mình rất biết ơn quyết định dũng cảm của bản thân khi muốn sống cho chính mình, để không phải hối tiếc.
Hãy theo dõi những câu chuyện tiếp theo của mình nhé
2 nhận xét:
Em thích nước Pháp. Cũng thích đi làm việc ở Pháp. Dù bây giờ em vẫn đang học cấp 3 ở Việt Nsm. Bài viết làm em có suy nghĩ khác đi rất nhiều. Em nghĩ mình cần phải chuẩn bị rất nhiều...không đơn giản như em từng nghĩ tới...cả tâm lý và vật chất nữa...cảm ơn vì bài viết.
Cảm ơn em vì những chia sẻ này, chị có thể cảm thấy em thực sự để tâm vào bài viết cũng như những dự định tương lai của bản thân. Chị nghĩ rằng, em còn rất trẻ, không gì là không thể, và chị cũng tin rằng, nếu thực sự đó là con đường dành cho em, em sẽ bước đi theo hướng mặt trời ;) với một tâm thế đã chuẩn bị sẵn sàng. Bonne chance, ma cherie :)
Đăng nhận xét