Thứ Ba, 10 tháng 11, 2020

Kiêu hãnh và định kiến _ Tình cổ điển

Kiêu hãnh và định kiến (Pride and Prejudice) – Jane Austen.


“Phù phiếm và kiêu hãnh là hai điều khác nhau, tuy rằng người ta thường xem hai thứ đồng nghĩa với nhau. Một người có thể cảm thấy kiêu hãnh nhưng không tỏ ra phù phiếm. Kiêu hãnh là khi ta có ý kiến về chính mình; phù phiếm là khi ta muốn người khác nghĩ về mình như thế nào.”

Mình đọc kiêu hãnh và định kiến khi còn khá nhỏ, tầm cấp 2, mà thực sự mình thuộc type lớn chậm, chẳng hiểu phong tình thế thái là gì, đến tận khi học xong đại học, vẫn chẳng hiểu sao người ta yêu nhau, nên đối với mình, kiêu hãnh và định kiến chẳng thấy có gì là kiêu hãnh cả, chỉ là sự vần đuổi của cặp đôi trai gái và sự làm giá của mấy cô cậu quý tộc Châu Âu.

Lần gần nhất, xem lại Kiêu hãnh và định kiến, mình mới hiểu và sống cùng những tâm tư rất phụ nữ mà bất cứ cô gái nào cũng có trong tình yêu!

Jane Austen viết Kiêu hãnh và định kiến bắt đầu từ năm 1796 đến năm 1797, xuất bản năm 1813. Bối cảnh trong truyện là giai đoạn đầu thế kỉ thứ 19, vào thời đại ngày đó, chuyện di chuyển bằng xe ngựa, viết thư tay, tổ chức dạ vũ thường xuyên, thăm viếng rồi lưu lại nhà nhau cả tháng trời là rất phổ biến. Đến với Kiêu hãnh và định kiến là đến với thế giới của những con người ở Anh vào cái thời mà địa vị vẫn còn quan trọng với các bá tước, công tước, tử tước, công hầu, công nương... mà đến giờ ở Anh, hoàng tộc vẫn là cái gì đó rất lớn lao, cao cả mà thôi!

Ngoài lề một chút về phim ảnh và thời trang, thường nhắc đến châu Âu sau thời kì phục hưng hay về giới quý tộc, người ta nghĩ tới Crinoline (loại váy phồng nhờ một bộ khung dưới lớp váy và phần eo bị bó chặt bởi áo corset). Nhưng ở giai đoạn này, hoàng hậu Marie Antoinette chính là người đã tiên phong khởi tạo xu hướng mới trong thời trang, được coi như một sự giải thoát cho phụ nữ thời bấy giờ. Váy áo mà các nhân vật nữ mặc trong phim có lẽ chịu ảnh hưởng từ chemise à la reine – loại trang phục mà hoàng hậu nước Pháp “lăng xê” (một kiểu áo đầm trắng rộng với dải thắt lưng lụa đầy màu sắc phía sau eo, đặc biệt là không có corset mặc bên trong và đường nét cơ thể được phô bày ra).

Về nội dung câu chuyện không có gì quá đặc biệt, đó là những cuộc tình, những tình cảm rất bình thường nhưng cũng rất muôn đời.

Đó là những câu chuyện tình yêu của chị em gái nhà Bennet, mà tiêu điểm chính là nhân vật Elizabeth Bennet. Tuy nội dung chuyện không có gì là quá mới mẻ so với một tiểu thuyết tình yêu nhưng lại rất cuốn hút đến kinh điển. Văn học thời kì đó rộ lên Đồi gió hú, Emma, Đại gia Gastby,... Pride and Prejudice cũng là một cuốn sách nói về tình yêu và nữ quyền mà đến bây giờ vẫn còn giá trị, dù khác thời đại, bối cảnh.

Janes Austen mở đầu câu chuyện bằng một nhận định bất hủ nhất của văn học Anh:

It is a truth universally acknowledged, that a single man in possession of a good fortune, must be in want of a wife - “một người đàn ông có một số tài sản khá, ắt hẳn sẽ cần một người vợ”.

Câu nói này phần nào đã khắc họa nội dung của toàn bộ câu chuyện xoay quanh những người đàn ông giàu có đi tìm vợ và những cô gái gần nhà đang đến tuổi cập kê muốn lấy những chàng trai giàu có như thế. Và dù được viết vào đầu thế kỷ 19, những nhân vật trong “Kiêu hãnh và định kiến”, ta vẫn có thể thấy thấp thoáng họ trong cuộc sống ngày nay, bởi thời nào chẳng thế, có những điểm tương đồng về phụ nữ cũng như hôn nhân, dù người ta có cười chê, có mỉa mai những định kiến đó, nhưng thật lạ nó vẫn tồn tại hàng thế kỷ.

Các cô gái, để đảm bảo cho mình một tương lai ổn định, phải chủ động kiếm một người chồng!

Một gia đình trung lưu ở Longbourn chỉ có 5 cô con gái, gia tài và điền sản sau khi ông Bennet chết đều phải chuyển về cho một người cháu họ xa tít tắp. Chính bởi sự thật này mà bà Bennet luôn sốt sắng về cuộc hôn nhân của các cô con gái, đặc biệt là cô cả Jane. Và sự xuất hiện của hai quý ông có lợi tức hàng năm lên đến đơn vị nghìn bảng ở Netherfield Park đồng nghĩa với các cuộc hôn nhân đổi đời trong mắt bà mẹ. Và hai công tử con nhà giàu hay còn gọi là soái ca ngôn tình chính là Bingley – chủ nhân mới của Netherfield Park và người còn lại là Fitzwilliam Darcy, nam chính được đồn đại rằng anh rất giàu, gia sản và lợi tức hàng năm hơn hẳn người bạn của anh. Bởi vậy, anh rơi vào tầm ngắm của những bà mẹ sốt sắng vì chuyện lấy chồng của con gái.


Nhân vật chính Elizabeth Bennet (thường gọi là Lizzy) là một cô gái thông minh và đầy kiêu hãnh, tự lập, bản lĩnh. Elizabeth xuất hiện đầu phim với mái tóc màu nâu và đôi mắt tinh anh, vừa đi vừa đọc sách trong khu vườn nhà của gia đình trong tiếng nhạc piano sâu lắng. Cảnh này cũng làm mình liên tưởng đến Emma Watson trong phần mở đầu của “Người đẹp và quái vật”, có lẽ tri thức mang đến cho các cô gái của chúng ta sự duyên dáng bình lặng và sự mạnh mẽ trong suy nghĩ. Giá trị của tri thức là đây, nếu ai đó hay hỏi con gái đọc sách nhiều, học nhiều để làm gì!

Cô là con thứ hai trong một gia đình trung lưu có 5 chị em gái với năm màu sắc tính cách khác nhau. Cô chị cả Jane xinh đẹp nhất, tính cách điềm đạm và tâm hồn lương thiện. Bởi Jane có vẻ đẹp tựa như một nữ thần, nên bà Bennet luôn hết lòng dốc sức vì cuộc hôn nhân của cô. Lizzy lại ham mê đọc sách, cô vui tính và thông minh nên được cha yêu thương nhất, nhưng cô không e ấp như các thiếu nữ khác nên lại không được mẹ quan tâm bằng các chị em trong gia đình. Cô em Mary không quan tâm đến thứ khác ngoài những trích dẫn trong sách và làm thế nào để tỏ ra tinh tế. Còn Kitty và Lydia thì chỉ để ý tới những đêm vũ hội và những quân đoàn trong trang phục đỏ rực.

Mỗi nhân vật một tính cách nhưng lại vô tình khắc họa lại toàn bộ bộ mặt của xã hội Anh thế kỉ 19. Elizabeth là một con người đầy kiêu hãnh, cô mang trong mình định kiến với giai cấp thượng lưu nói chung và đặc biệt Darcy nói riêng. Kiêu hãnh và định kiến không chỉ là kiêu hãnh và định kiến của Eliza mà còn của Darcy, được anh thể hiện qua những lời bình phẩm về Elizabeth và những suy nghĩ của anh trước cách cư xử của gia đình cô.

Darcy kiêu hãnh và khép kín, anh có sự khinh bỉ sâu sắc với tầng lớp trung lưu luôn tìm cách len lỏi tiếp cận với giới giàu sang nhằm chuộc lợi. Trớ trêu thay, hầu hết người thân cận của Lizzie là như vậy.

Lizzie cũng ngay lập tức cảm thấy ác cảm với Darcy. Cô thông minh, hiểu biết hơn người nhưng thường có khuynh hướng đánh giá người khác dựa trên những ấn tượng đầu tiên. Sẵn ấn tượng không tốt về Darcy, lại được nghe lời những người khác nói xấu về anh, Lizzie ghét cay ghét đắng Darcy.

Cả Darcy và Lizzie đều là những người tốt bụng và cao quý nhưng đều mang nặng “kiêu hãnh và định kiến” của giai cấp mình khi đánh giá người khác.





Darcy bị cuốn hút bởi sự thông minh và vẻ hài hước của Lizzie, nhưng ban đầu anh lại luôn ngần ngại. Anh cho rằng mình chỉ bị mê muội nhất thời. Định kiến về tầng lớp trung lưu dường như ăn sâu vào tiềm thức của giới quý tộc của anh. Tuy nhiên, sau nhiều chuyện xảy ra giữa họ, Lizzie đã dần phá vỡ định kiến của Darcy bằng chính lòng kiêu hãnh của mình. Lizzie quyết đoán và mạnh mẽ. Không giống như những phụ nữ thời bấy giờ, cô mong muốn được tự quyết định tương lai của chính mình, chọn cho bản thân một cuộc sống thú vị chứ không hề bị bó buộc bởi những định kiến hay những ý muốn của mẹ. Sau rất nhiều hiểu lầm, cô đã không tiếc lời chê bai Darcy, thậm chí còn từ chối thẳng thắn lời cầu hôn của Darcy.

“From the first moment I met you, your arrogance and conceit, your selfish disdain for the feelings of others made me realize that you were the last man in the world I could ever be prevailed upon to marry.” (Elizabeth)

“Ngay từ giây phút đầu tiên gặp anh, sự kiêu ngạo và tự phụ, sự ích kỷ coi thường cảm xúc của người khác đã khiến em nhận ra rằng anh là người đàn ông cuối cùng trên thế giới này mà em có thể kết hôn.” (Elizabeth)



Tuy bị từ chối phũ phàng nhưng Darcy lại rất cao thượng khi đã gửi thư xin lỗi và giải thích mọi hiểu lầm với Elizabeth. Cuối cùng lòng kiêu hãnh của Darcy ngược lại cũng phần nào xóa bỏ định kiến ban đầu của Lizzie dành cho anh. Anh không còn là một quý ngài kiêu ngạo, khinh khỉnh và lạnh lùng nữa, còn cô đã thực sự bị cảm động bởi anh và mở lòng đón nhận anh với cái nhìn trong sáng, cởi mở.


Một cái kết không thể đẹp hơn cuối cùng cũng dành cho hai người. Nếu Darcy không dẹp bỏ lòng tự tôn kiêu hãnh của mình xuống để thổ lộ với cô lần một, rồi quay lại với cô lần 2, đây sẽ là một cuộc tình có duyên mà không có số đầy tiếc nuối. Nếu Lizzie không thông minh, tinh tế, tình cảm, thì cũng sẽ không có cái kết hạnh phúc lần hai và sự chấp nhận của 2 gia đình.


Giá trị mà nó đem đến không chỉ đúng ở thời điểm cuốn sách ra đời, mà theo như mình nghĩ cho đến tận bây giờ vẫn còn vẹn nguyên.


Tình yêu bắt nguồn từ sự cuốn hút lẫn nhau!

Nhưng sự cuốn hút ban đầu, nếu không thoát khỏi những định kiến do chính mình sinh ra, tự khép lòng mình lại, thì sẽ có những điều tốt đẹp mà mình không thể thấy được.



Catherine Morland (trong Tu viện Northanger) là người cởi mở, thân thiện và Henry Tilney đã phải lòng cô. Cô không hề cố lao vào Henry như Isabella Thorpe – người bạn xấu tính của Catherine.


Tuy nhiên, hãy cẩn thận khi quá nhút nhát. Jane Bennet suýt đã bỏ lỡ ngài Bingley vì cô quá dè dặt. Bingley cần phải biết rằng những tình cảm cô dành cho anh không chỉ là lãnh đạm thờ ơ. Tương tự, đừng quên thể hiện cái mà quý ngài Darcy gọi là "biểu hiện đặc biệt về tình cảm".


Becoming Jane (2007) kể câu chuyện dựa trên cuộc đời của nữ văn sĩ Jane Austen. Trong phim, Anne Hathaway vào vai Jane - một thiếu nữ yêu say đắm chàng trai có tên là Tom LeFroy. Tình yêu của họ gặp phải sự phản đối của bố mẹ Jane vì họ muốn con gái kết hôn với một người có địa vị xã hội, chứ không phải là một anh chàng sống phóng túng như Tom. Nhưng tình yêu này đã tạo cảm hứng cho nữ văn sĩ viết lên tác phẩm giàu cảm xúc Kiêu hãnh và định kiến.


Trong bộ ba tiểu thuyết nổi tiếng của Jane Austen là Kiêu hãnh và định kiến, Lý trí và tình cảm, Emma; bà đều xây dựng hình tượng nữ nhân vật kiên cường, có chính kiến trong tình yêu, dám đấu tranh để giành được hạnh phúc. Các tác phẩm luôn khép lại bằng cái kết viên mãn, đám cưới như minh chứng cho tình yêu vĩnh hằng. Nhưng đó chính là khao khát mà sinh thời, nữ văn sĩ không có được.


Không có nhận xét nào: